Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.
Năm 2021, Bộ, ngành Nội vụ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nguồn lực để rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc Bộ Nội vụ đảm bảo đồng bộ, thống nhất, liên thông với các quy định của Đảng. Bộ Nội vụ tham mưu Hội đồng bầu cử Quốc gia và Chính phủ, phối hợp cấp ủy và chính quyền địa phương tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, ngành, địa phương; hoàn thành vượt chỉ tiêu giảm biên chế công chức và số viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; chủ động rà soát, cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với công chức, viên chức. Công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, qua đó tạo chuyển biến tích cực, đáp ứng tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng thực chất, biểu dương, khen thưởng, suy tôn, khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng, tạo động lực cho phát triển. Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được chú trọng, tăng cường, hoạt động ổn định, tuân thủ pháp luật và gắn bó với dân tộc. Lĩnh vực văn thư, lưu trữ ngày càng được quan tâm đầu tư để bảo đảm an toàn và phát huy được giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia. Công tác quản lý hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ từng bước đi vào nền nếp.
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương thảo luận, nêu nhiều vấn đề mà ngành Nội vụ và Bộ Nội vụ cần tập trung thực hiện như: Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; cải cách hành chính nhà nước; đổi mới hệ thống tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; về đổi mới cơ chế quản lý công chức theo vị trí việc làm; đổi mới tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; vấn đề phân cấp, phân quyền; về tổ chức chính quyền đô thị; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành Nội vụ đã đạt được trong năm 2021, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị và xây dựng cơ chế liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh. Tham mưu để việc sắp xếp con người, bố trí bộ máy linh hoạt, phù hợp với tình hình. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh sự tham mưu phối hợp, xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.
Tập trung cho đột phá chiến lược về thể chế, rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hệ thống thể chế, chính sách phù hợp yêu cầu phát triển và quản trị của nền hành chính nhà nước các cấp nhất là tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy; triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính. Tập trung cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh việc chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương nhằm xây dựng Chính phủ số, chính quyền số gắn với phát triển mạnh kinh tế số, xã hội số.
Gửi phản hồi
In bài viết