Công nhân thu gom rác thải nhựa tại bãi rác ở Tây Java, Indonesia. (Ảnh Tân Hoa xã)
Thỏa thuận của EU đặt ra một số mục tiêu, trong đó có việc giảm dần rác thải bao bì bằng tất cả vật liệu, từ nhựa, gỗ, sắt, nhôm, thủy tinh đến giấy và bìa cứng. Cụ thể, EU sẽ giảm 5% lượng rác bao bì đến năm 2030, 10% đến năm 2035 và 15% đến năm 2040, so mức của năm 2018. Ðến năm 2030, hầu hết bao bì được sử dụng tại EU phải tái chế được. Các quán cà-phê và nhà hàng bị cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lượng rác thải bao bì tại EU năm 2021 là 84 triệu tấn, tương đương 188,7 kg rác thải/người. Nếu không có biện pháp giải quyết, lượng rác này có thể lên đến 209 kg/người vào năm 2030.
Bên cạnh EU, nhiều nước cũng triển khai các biện pháp mạnh tay trong hạn chế rác thải. Israel vừa thông báo sẽ tiếp tục cấp khoảng 4 triệu USD trong năm thứ hai liên tiếp, để khuyến khích khu vực tư nhân nghiên cứu phương pháp tận dụng năng lượng từ rác thải. Với dự án này, Israel kỳ vọng có thể vừa tạo ra nguồn năng lượng có giá trị kinh tế, vừa xử lý được rác thải không thể tái chế, qua đó giảm diện tích chôn lấp rác và lượng khí thải CO2 độc hại ra môi trường.
Trong khi đó, các nhà hàng và quán cà-phê ở Canada cũng không được cung cấp cho khách hàng ống hút bằng nhựa, hộp đựng thức ăn, túi đựng hàng hoặc dao kéo dùng một lần. Một cuộc khảo sát của nhóm môi trường Oceana Canada cho thấy, người dân Canada hoàn toàn ủng hộ lệnh cấm nhựa, trong bối cảnh hơn 100 quốc gia trên thế giới hiện đã cấm hoàn toàn hoặc một phần túi nhựa dùng một lần.
Giới chuyên gia cho rằng, các giải pháp nêu trên cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa, nhất là trong bối cảnh lượng rác thải trên Trái đất ngày càng tăng. Theo ước tính mới đây của Liên hợp quốc, thế giới thải ra 2,3 tỷ tấn rác thải rắn đô thị trong năm 2023. Nếu các nước không nhanh chóng hành động, đến năm 2050, khối lượng rác toàn cầu có thể lên đến 3,8 tỷ tấn, vượt xa các mức dự báo trước đó.
Nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chỉ ra rằng, khối lượng rác nêu trên kéo theo gánh nặng kinh tế cao gần gấp hai lần, có thể lên đến hơn 640 tỷ USD vào năm 2050, từ mức 361 tỷ USD năm 2020. Ngoài ra, việc xử lý rác thải bằng cách chôn lấp và đốt tại nhiều khu vực có thể làm tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng nguy cơ chất hóa học độc hại xâm nhập vào đất, nguồn nước, không khí và ảnh hưởng tiêu cực sức khỏe người dân.
Theo Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen, tốc độ thải rác tỷ lệ thuận với tăng trưởng GDP. Nhiều nền kinh tế phát triển nhanh đang chật vật đối phó gánh nặng từ lượng rác ngày càng tăng. Ðể tình trạng này không tiếp diễn, UNEP khuyến cáo các nước hạn chế rác thải ngay từ đầu, đồng thời cải thiện chất lượng phương thức xử lý và phân loại rác. Nếu có các biện pháp hiệu quả, chi phí do rác thải gây ra trên toàn cầu mỗi năm có thể giảm xuống còn 270 tỷ USD vào năm 2050.
Trong khi đó, liên quan việc giải quyết rác thải nhựa, hồi tháng 11/2023, các đại diện đến từ 175 quốc gia đã nhóm họp tại Kenya nhằm xây dựng hiệp ước quốc tế đầu tiên về giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Theo kế hoạch, hiệp ước sẽ tiếp tục được thảo luận vào tháng 4/2024 tại Canada và kết thúc tại Hàn Quốc vào cuối năm 2024. Giới chuyên gia kêu gọi các nước sớm đạt được một hiệp ước hiệu quả, có tính ràng buộc pháp lý trên toàn cầu, qua đó bảo vệ Trái Ðất trước những nguy cơ từ rác thải nhựa.
Không chỉ là mối đe dọa trực tiếp đối với môi trường, gây hại cho sức khỏe con người và làm mất cân bằng hệ sinh thái, rác thải còn làm gia tăng biến đổi khí hậu. Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen hối thúc các nước nhanh chóng hành động để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng rác thải hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết