Tìm giải pháp phát triển du lịch Vĩnh Linh

Theo thông tin từ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, đã có nhiều ý kiến đóng góp, tham luận để tìm ra giải pháp, hướng đi mới tạo điều kiện cho du lịch Vĩnh Linh phát triển một cách hiệu quả và bền vững, đồng thời tăng khả năng kết nối sản phẩm du lịch của Vĩnh Linh và Quảng Trị tới các địa phương khác.

Những ý kiến đóng góp, tham luận này được đưa ra tại Hội nghị Chương trình du lịch về nguồn “Vĩnh Linh – Ký ức và hiện tại”, do Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Vĩnh Linh tổ chức.

Vĩnh Linh là một trong những điểm du lịch về nguồn ở tỉnh Quảng Trị thu hút đông đảo du khách trong những năm gần đây, đặc biệt là vào những dịp kỷ niệm lớn của đất nước.

Gần 70 năm trước, khi đế quốc Mỹ ngang nhiên phá bỏ Hiệp định Geneva, biến miền nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, Hiền Lương - Bến Hải trở thành nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước; Vĩnh Linh trở thành mảnh đất ghi dấu ấn lịch sử bi hùng của dân tộc, là tiền đồn của miền bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của cách mạng miền nam. Với những giá trị về văn hóa và lịch sử, ngày nay, Vĩnh Linh là điểm đến của du lịch về nguồn nhằm ôn lại truyền thống cách mạng, tinh thần đấu tranh ngoan cường của các thế hệ cha ông, giáo dục nhân cách, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ cũng như thu hút du khách với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ.

Di tích lịch sử cầu Hiền Lương, sông Bến Hải.

Ông Hồ Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị khẳng định: Với bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống anh hùng, huyện Vĩnh Linh mang trong mình sứ mệnh là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, những địa danh Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh… đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Bên cạnh những di tích lịch sử văn hoá, huyện Vĩnh Linh còn có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp và cả du lịch văn hóa tâm linh. Các điểm đến như: bãi tắm Cửa Tùng, bãi tắm Vĩnh Thái, Mũi Lay, Mũi Si, rừng nguyên sinh Rú Lịnh, Rú Đưng, Rú Bàu, Bàu Trạng, Khu du lịch sinh thái Bảo Đài, đồi cát Vĩnh Trung, Miếu Bà Chúa... dần trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút khá lớn lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Đã có nhiều bài tham luận có giá trị thực tiễn cao được chia sẻ tại Hội nghị từ các đại biểu từ Phân viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, Sở du lịch tỉnh Quảng Bình, Công ty Amazing English Tour Quảng Trị; Công ty Jungle Boss và các đơn vị lữ hành tỉnh Quảng Trị.

Nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận về các nội dung xác định các tiêu chí, mục tiêu của chương trình du lịch về nguồn, tìm những giải pháp nâng cao chất lượng, công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư và liên kết hợp tác chương trình với các sản phẩm du lịch ở các địa phương lân cận, khu vực miền trung. Trong đó đặc biệt là việc xác định thị trường khách nội địa và quốc tế; cơ chế, chính sách để phát triển chương trình…

Từ những ý kiến tại hội nghị, các công ty lữ hành định hình và xác định những sản phẩm du lịch tiêu biểu, độc đáo của du lịch tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Vĩnh Linh nói riêng nhằm góp phần tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng huyện Vĩnh Linh trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa phía bắc của tỉnh Quảng Trị và khẳng định thương hiệu của những điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục