Tín hiệu tích cực của thể thao Việt Nam

Sau hai kỳ Olympic liên tiếp không có huy chương, thể thao Việt Nam đã bộc lộ rõ những điểm yếu, hạn chế dẫn đến giảm sút thành tích thi đấu đỉnh cao. Cục Thể dục-Thể thao cùng cơ quan quản lý ở các địa phương và nhiều liên đoàn bộ môn đã bắt tay khởi động những chương trình đầu tư cho thể thao nhằm khắc phục tình trạng trên, giành lại vị thế ở đấu trường châu lục và Thế vận hội.
Thể thao Việt Nam đã có hai kỳ Olympic liên tiếp không giành huy chương. Trong ảnh: Vận động viên bơi Huy Hoàng từng được kỳ vọng, nhưng thành tích thi đấu giảm sút tại Olympic 2024. (Ảnh GETTY)
Thể thao Việt Nam đã có hai kỳ Olympic liên tiếp không giành huy chương. Trong ảnh: Vận động viên bơi Huy Hoàng từng được kỳ vọng, nhưng thành tích thi đấu giảm sút tại Olympic 2024. (Ảnh GETTY)

Tại Olympic Paris 2024, xạ thủ Trịnh Thu Vinh đã thi đấu đạt thành tích hạng 4, áp sát với thành tích đoạt huy chương. Từ khả năng, tiềm năng của vận động viên (VĐV) này cũng như đội tuyển bắn súng Việt Nam, Cục Thể dục-Thể thao và Liên đoàn bắn súng Việt Nam đã triển khai kế hoạch để Thu Vinh và các đồng đội vươn tầm. Hiện nay, nữ chuyên gia Byambajavyn đã bắt đầu huấn luyện đội tuyển súng ngắn nữ tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Sự góp mặt của nữ huấn luyện viên kỳ cựu người Mông Cổ được kỳ vọng sẽ giúp tổ súng ngắn nữ nói chung và xạ thủ Trịnh Thu Vinh nâng cao thành tích thi đấu. Bên cạnh sự góp mặt của chuyên gia Byambajavyn, bộ môn bắn súng Việt Nam có thể sẽ mời thêm một số chuyên gia giỏi nữa trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Bắn súng Việt Nam Đỗ Văn Bình, trong Chiến lược phát triển thể dục-thể thao đến năm 2030, tầm nhìn 2045, bắn súng là môn thể thao trọng điểm có thể tranh chấp huy chương Olympic và sẽ được quan tâm đầu tư tốt hơn. Trong nỗ lực tìm kiếm chuyên gia cho các xạ thủ bắn súng, rất có thể, ông Park Chung Gun, người vừa được trao danh hiệu Chuyên gia nước ngoài xuất sắc nhất năm 2024 tại Gala Cúp Chiến thắng, sẽ tiếp tục gắn bó với nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh. Tại buổi lễ nêu trên, ông Park Chung Gun cho biết sẵn sàng làm hết sức mình để tiếp tục giúp đỡ Trịnh Thu Vinh và các đồng đội tỏa sáng.

Cùng với bắn súng, đội tuyển bắn cung Việt Nam tiếp tục gắn bó với chuyên gia kỳ cựu người Hàn Quốc Park Chae-soon. Trong làng bắn cung quốc tế, ông Park Chae-soon là huấn luyện viên có uy tín cao, từng dẫn dắt đội tuyển bắn cung Hàn Quốc giành nhiều Huy chương vàng Olympic. Trước đó, ông chính là người đã giúp 2 cung thủ nước ta giành suất dự Olympic Paris 2024. Hiện nay, Hàn Quốc là cường quốc đứng đầu về bắn cung tại các kỳ Thế vận hội và ông Park Chae-soon là một trong những huấn luyện viên đã góp công lớn vào thành tích này. Với bề dày kinh nghiệm và thành tích đào tạo nêu trên, sự tham gia của ông Park chắc chắn sẽ mang lại những thay đổi mạnh mẽ cho bắn cung Việt Nam; đồng thời, từ mối quan hệ của ông, các tuyển thủ Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để thi đấu cọ xát với các tuyển thủ Hàn Quốc nhằm cải thiện kỹ thuật, thể lực, bản lĩnh thi đấu…

Sau 25 năm, kể từ tấm Huy chương bạc Olympic Sydney 2000 tại Australia, bộ môn taekwondo Việt Nam đã và đang thay đổi mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm đầu tư lớn hơn nhằm hướng tới mục tiêu vươn tầm Thế vận hội. Cụ thể, chương trình taekwondo hướng tới Olympic đang được Cục Thể dục-Thể thao, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện. Khởi đầu là việc thể thao Thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng chính thức với chuyên gia Erfan Heydarl, một tuyển thủ taekwondo quốc gia của Iran từng giành nhiều huy chương từ năm 2017-2023 và đã có kinh nghiệm làm huấn luyện viên khi đảm nhiệm dẫn dắt đội tuyển taekwondo của Bahrain. Trước khi ký hợp đồng chính thức, chuyên gia Erfan Heydarl từng tham gia huấn luyện cho một số đội tuyển taekwondo của Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía nam, mang lại nhiều thay đổi tích cực. Bên cạnh việc thuê chuyên gia giỏi, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện tập luyện, bồi dưỡng cho các VĐV taekwondo. Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành thể thao và Liên đoàn Taekwondo Việt Nam cũng tổ chức các giải đấu, giúp các tuyển thủ có thể tăng cường cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Riêng năm 2025, Việt Nam đăng cai tổ chức 2 giải đấu quan trọng là Giải taekwondo quốc tế Việt Nam mở rộng - CJ 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh và Giải vô địch taekwondo Đông Nam Á 2025 tại Khánh Hòa, một giải đấu quan trọng trước SEA Games 33.

Bước sang năm 2025, bộ môn điền kinh đã và đang được giao nhiều trọng trách, trong đó nhóm nữ VĐV chạy tiếp sức 4x400m bao gồm: Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh tiếp tục được kỳ vọng sẽ bảo vệ Huy chương vàng đã giành được tại Giải vô địch châu Á 2024, thành tích giúp họ được vinh danh ở hạng mục Đồng đội của năm tại Cúp Chiến thắng 2024.

Muốn "hái quả ngọt" ở đấu trường Thế vận hội như mục tiêu đề ra cần có sự đầu tư lớn, bởi nếu VĐV vẫn phải tập huấn ở các cơ sở kỹ thuật xuống cấp, lạc hậu và luôn trong tình trạng thiếu thốn, mục tiêu trên là rất khó thực hiện được. Để đoạt huy chương Olympic đòi hỏi thể thao Việt Nam cần vượt qua không ít khó khăn, trở ngại mà không có giải pháp nào khác ngoài phải tìm cách huy động được các nguồn lực tài chính, mời được đội ngũ chuyên gia quốc tế giỏi về làm việc hay đầu tư nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cần thiết, cải thiện chế độ dinh dưỡng, tiền công, tiền thưởng cho VĐV.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục