Du khách thích thú ngắm những ngôi nhà hình quẩy tấu tại Khu nghỉ dưỡng H'Mông Village.
Năm 2023, Hà Giang có sự tăng trưởng vượt bậc về lượng khách, doanh thu từ du lịch so với năm 2022.
Tỉnh đã đón hơn 3 triệu du khách, tăng hơn 750 nghìn khách; doanh thu đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 2.550 tỷ so với năm 2022.
Với sức hút của vùng đất có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, giàu bản sắc văn hóa, dịp nghỉ Tết Dương lịch năm 2024, lượng khách đến Hà Giang rất đông, ước tính hơn chục nghìn người.
Du khách chủ yếu đến các điểm du lịch nổi tiếng vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, như: Núi đôi Quản Bạ; làng văn hóa du lịch thôn Lũng Cẩm; dinh thự nhà Vương; Cột cờ Quốc gia Lũng Cú; đèo Mã Pì Lèng; lòng hồ thủy điện Nho Quế.
Ngay từ đầu tháng 12/2023, hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ trên tại các huyện vùng cao núi đá phía bắc đều đã có khách đặt kín phòng.
Lo ngại lượng khách đổ về Cao nguyên đá Đồng Văn đông, nhưng điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nhất là giao thông và hạ tầng du lịch, có thể dẫn đến tắc đường, mất vệ sinh môi trường, thiếu phòng nghỉ, vệ sinh an toàn thực phẩm..., trước thực trạng đó, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch để đón khách trong dịp Tết Dương lịch 2024.
Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, ngành đã chỉ đạo các huyện chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất; xây dựng phương án bảo đảm an toàn giao thông; tăng cường kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nhà hàng; vận động các cơ sở lưu trú không chuẩn bị các điều kiện để đón khách và không tăng giá dịch vụ.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống tại các khu, điểm du lịch phục vụ du khách.
Hầu hết các địa phương, các khu, điểm du lịch, ngoài việc chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, niêm yết giá dịch vụ công khai, cũng đang tích cực chuẩn bị các hoạt động văn hóa chào đón du khách dịp đầu năm 2024.
Tại thôn Cao Bành, xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang diễn ra Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao với nhiều hoạt động đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như tổ chức các hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian; hội thi các món ăn dân tộc Dao; trình diễn trang phục người Dao; tổ chức các hoạt động trải nghiệm và ngắm hoa tam giác mạch. Ngày hội diễn ra đúng vào dịp nghỉ Tết Dương lịch đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Tại lễ hội, ấn tượng, huyền bí, vui vẻ nhất là trò chơi kéo cổ chày. Sau khi được thầy cúng người dân tộc Dao làm phép, chiếc chày cứ nhảy tưng tưng dù có bốn đến năm thanh niên lực lưỡng người địa phương và du khách cầm cổ chày ấn xuống đất.
Trò chơi kéo cổ chày trong Lễ hội văn hóa, du lịch người dân tộc Dao, xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang.
Tại Khu nghỉ dưỡng H’Mông Village, xã Đông Hà, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã có sự chuẩn bị chu đáo cho dịp nghỉ Tết Dương lịch 2024. Đây là điểm được tỉnh Hà Giang chọn để tổ chức Lễ đón những vị khách đầu tiên đi du lịch Hà Giang năm 2024. Do đó, công tác chuẩn bị đón du khách và tổ chức các hoạt động văn hóa mang sắc thái riêng được khu nghỉ dưỡng chuẩn bị phục vụ du khách.
Bên cạnh đó, du khách đến khu nghỉ dưỡng còn được hòa mình vào không gian văn hóa chợ vùng cao, bày bán các sản vật địa phương, những món ăn truyền thống kết hợp cùng không gian văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng cao Hà Giang.
Ông Lương Tuấn Thịnh, Giám đốc Điều hành Khu nghỉ dưỡng H’Mông Village cho biết, dịp nghỉ Tết Dương lịch năm nay, khách đã đặt kín phòng cách đây một tháng. Với lượng khách đông, cơ sở đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm cho du khách đến ăn nghỉ được thụ hưởng dịch vụ ăn nghỉ cao cấp, an toàn, được hòa mình vào nét văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao.
Thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Hiện nay, thôn có 42 hộ làm dịch vụ lưu trú, có thể tiếp đón hơn 500 du khách mỗi ngày. Từ đầu tháng 12, tất cả các hộ làm dịch vụ lưu trú đều đã có khách đặt kín phòng.
Với lượng khách đông, đổ dồn về thôn trong khoảng thời gian ngắn nên ngay từ giữa tháng 12, thôn đã tổ chức họp để phân công nhiệm vụ cụ thể cho các hộ trong thôn.
Ông Sìn Gỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú cho biết: “Hầu hết các hộ trong thôn đều làm dịch vụ lưu trú và các dịch vụ phụ trợ, nhà nào cũng được hưởng nguồn lợi từ du lịch nên phải có trách nhiệm trong việc đón tiếp, phục vụ du khách. Do đó, thôn đã họp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm hộ, có tổ trông giữ xe, phân luồng giao thông; tổ phụ trách vệ sinh môi trường; tổ cung cấp thực phẩm, bảo đảm du khách được thụ hưởng các món ăn truyền thống được chế biến từ nguồn thực phẩm sạch, sản xuất ngay tại địa phương. Các gia đình làm dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ cũng bảo đảm cơ sở vật chất để đón khách, nhất là chăn, đệm ấm. Bên cạnh đó, các thành viên trong đội văn nghệ cũng chuẩn bị các tiết mục văn nghệ đặc sắc để phục vụ du khách vào buổi tối”.
Với sự chuẩn bị chu đáo của các địa phương, tại các khu, điểm du lịch ở Hà Giang đã để lại sự hài lòng của du khách với các dịch vụ được thụ hưởng.
Chị Trịnh Thị Vân, du khách đến từ Hà Nội cho biết, gia đình chị thuê xe tự lái lên các điểm du lịch ở bốn huyện vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao Nguyên đá Đồng Văn từ ngày 29 đến 31/12.
Mặc dù đường đi nhỏ hẹp, nhưng chính quyền địa phương đã huy động lực lượng công an phân luồng giao thông, cho nên không xảy ra ách tắc giao thông nghiêm trọng. Dù đông khách, nhưng các dịch vụ như nhà nghỉ, quán ăn, giá vé các điểm du lịch đều được niêm yết công khai và không có tình trạng tăng giá, ép khách.
Hàng chục nghìn du khách chọn Hà Giang là điểm đến trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch là tín hiệu vui để ngành du lịch Hà Giang thực hiện mục tiêu đón 3,2 triệu khách du lịch trong năm 2024.
Gửi phản hồi
In bài viết