Sơ chế thanh long xuất khẩu tại Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm Cát Tường. Ảnh: MINH TRÍ
Ða dạng thị trường
Không chỉ tăng mạnh về kim ngạch mà hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ghi nhận sự đa dạng về thị trường. Tháng 1-2021, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 59,1% thị phần, đạt 182,9 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp đến là Thái-lan đạt 16,2 triệu USD (chiếm 5,2%, tăng 14,8%); Mỹ đạt 13,2 triệu USD (chiếm 4,3%, tăng 20,7%). Một số thị trường khác có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh so với cùng kỳ là: U-crai-na (gấp 11 lần), Cam-pu-chia (gấp 8,4 lần), Ai Cập (gấp 5 lần)…
Ðiều đáng nói là kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dù tăng so với cùng kỳ nhưng thị phần lại giảm. Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm xuống còn 59,1%, từ mức 61,7% trong tháng 1-2020. Có thể thấy, hàng rau quả Việt Nam đã bớt đi phần nào sự phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó, một số thị trường mới đều có sự tăng trưởng khá tốt. Trong bối cảnh nước ta đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác quốc tế như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), thì xuất khẩu rau quả được đánh giá có nhiều thuận lợi trong việc chinh phục các thị trường chất lượng cao trong năm 2021.
Tập trung vào chế biến
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhóm hàng rau quả chế biến sẽ giúp toàn ngành gia tăng giá trị xuất khẩu. Như chia sẻ của Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Ðình Tùng: Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở nhiều thời điểm nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến các hoạt động xuất khẩu của công ty do rất nhiều sản phẩm trái cây đã qua xử lý có thể bảo quản tốt trong thời gian dài. Do đó, trước mắt và lâu dài, các doanh nghiệp đều nên tập trung đầu tư vào khâu chế biến sâu, để khi xuất khẩu trái cây tươi gặp trục trặc thì vẫn có thể đưa vào chế biến, bảo quản, thậm chí còn nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Ðặng Phúc Nguyên nêu rõ: "Hai tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đã đạt những kết quả khả quan, nên hoàn toàn có thể hy vọng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này đẩy tiếp được đà tăng trưởng trong thời gian tới. Thực tế, ngành hàng rau quả đang có nhiều lợi thế tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhờ vào các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Mặt khác, thời gian vừa qua, nhiều sản phẩm rau quả của nước ta đã đáp ứng được đầy đủ tiêu chí khắt khe nhất của các thị trường chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản… Từ đó tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng trên thế giới về các nông sản của Việt Nam". Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với toàn ngành hàng trong thời gian tới vẫn là tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm có truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm… trên cơ sở xây dựng các vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, nhà máy chế biến có chứng nhận tiêu chuẩn ISO, chứng nhận xã hội, môi trường… Ðặc biệt, trong điều kiện dịch Covid-19 chưa được kiểm soát thì khâu bảo đảm an toàn dịch bệnh khi sản xuất, đóng gói, vận chuyển cần hết sức chú ý để sản phẩm dễ dàng thông thương vào các quốc gia khác.
Hiện, cả nước ta có khoảng 1,05 triệu ha cây ăn quả, sản lượng hơn 12,6 triệu tấn. Sản phẩm trái cây của Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Ðến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu vào thị trường chất lượng cao như Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Hàn Quốc, Thái-lan, Nhật Bản, EU. Ngoài ra, cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.
Gửi phản hồi
In bài viết