Bất cứ hoạt động quân sự nào của Ukraine vào lúc này đều sẽ thổi bùng căng thẳng
mới với nước láng giềng Nga.
Ukraine và Nga rơi vào căng thẳng từ khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014. Các vụ đụng độ kéo dài khiến hơn 13.000 người thiệt mạng. Trong nỗ lực vãn hồi, tháng 7-2020, Nga, Ukraine cùng Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đã đàm phán, thống nhất lệnh ngừng bắn. Động thái này được xem là bước ngoặt lớn so với vô vàn các thỏa thuận ngừng bắn từng đạt được trước đó, nên những căng thẳng ở miền Đông Ukraine đã được hạ nhiệt trong nhiều tháng qua.
Tuy nhiên, xung đột mới nhất (diễn ra liên tiếp từ ngày 26 đến 31-3) một lần nữa đe dọa tiến trình tìm kiếm hòa bình tại miền Đông Ukraine. Những vụ nổ súng đã diễn ra ở Donetsk, trong đó nổi bật là giao tranh tại Shumi - vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận ngừng bắn đang triển khai. Tiếng súng nổ cũng được ghi nhận dọc Đường giới tuyến (Line of Contact) - hệ thống công sự và các điểm phòng thủ trải dài hơn 400km. Bình luận về những bất ổn này, Kiev và Mátxcơva hai bên đều chỉ trích lẫn nhau.
Theo các nhà phân tích, đụng độ không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy căng thẳng tại khu vực miền Đông Ukraine đang leo thang trở lại. Các quan sát viên của châu Âu cho biết, họ đã phát hiện sự xuất hiện hàng loạt vũ khí mới của lực lượng ly khai trong những tuần gần đây.
Cùng với đó, Ukraine cũng đã có bước đi cứng rắn, khi Tổng Tham mưu trưởng quân đội, Đại tướng Ruslan Khomchak tuyên bố lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) đã hoàn tất công tác chuẩn bị và chuyển sang giai đoạn tấn công trực tiếp vào các vị trí của lực lượng ly khai ở miền Đông Donbass. Động thái này diễn ra sau khi Quốc hội Ukraine thông báo về “sự leo thang căng thẳng”, chỉ ra sự gia tăng đáng kể các vụ nã pháo và khiêu khích có vũ trang, đồng thời thừa nhận lệnh ngừng bắn đàm phán đạt được hồi tháng 7-2020 đã sụp đổ.
Cũng theo giới quan sát, dù không bên nào muốn bạo lực tiếp diễn nhưng nguy cơ xảy ra xung đột là rất lớn, trong bối cảnh Ukraine có nhiều lý do để thực hiện các chiến lược của mình ở Donbass. Việc Nga thúc đẩy kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 khiến Ukraine thêm quyết tâm hành động, bởi dự án này cho phép Nga bỏ qua đường ống ở Ukraine và không phải trả cho nước này khoản phí trung chuyển đắt đỏ.
Trong khi đó, Mỹ và Liên minh châu Âu đều theo đuổi quan điểm cứng rắn nhằm vào Nga, liên tiếp áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung. Nhiều ý kiến cho rằng, bất cứ động thái quân sự nào diễn ra vào lúc này đều có thể thổi bùng căng thẳng tại miền Đông Ukraine, dẫn tới những "hậu quả tàn khốc".
Trước diễn biến mới nhất, Người phát ngôn điện Kremlin Dmitri S.Peskov thừa nhận về những căng thẳng gần đây trong các cuộc giao tranh ở miền Đông Ukraine, đồng thời khẳng định Mátxcơva hy vọng tình hình sẽ được cải thiện. Ông Peskov đánh giá những giao tranh lần này đang hủy hoại những thành quả khiêm tốn trong nỗ lực lập lại hòa bình ở Ukraine mà các nhóm đàm phán đã đạt được trước đó, đặc biệt là Thỏa thuận Minsk.
Về phần mình, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bày tỏ lo ngại về những căng thẳng gia tăng tại Ukraine.
Triển vọng hòa bình tại Ukraine vẫn là bài toán khó, bởi giằng co tiếp diễn giữa những chính trị gia theo đường lối thân phương Tây - muốn Ukraine trở thành đồng minh của Liên minh châu Âu (EU) - còn phía bên kia là các lực lượng thân Nga, không muốn biến Ukraine thành "con dao sát sườn xứ Bạch dương". Bởi thế, xung đột có kết thúc hay không còn phụ thuộc nhiều vào sự cố gắng của các bên trong việc thúc đẩy hòa giải.
Gửi phản hồi
In bài viết