Châu Á
Nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Swaminathan cho rằng, Ấn Độ đang chuyển sang giai đoạn Covid-19 được coi như bệnh đặc hữu. Lây nhiễm sẽ tăng, giảm ở cấp khu vực, thậm chí có ổ dịch bùng phát ở một số vùng có độ che phủ vắc xin thấp. Nhưng điều đó không ngăn được việc Ấn Độ bước vào giai đoạn cuối của dịch bệnh.
Theo nhà khoa học này, Ấn Độ có được lớp bảo vệ vững chắc nhờ tỷ lệ dân số có kháng thể với Covid-19 (khoảng trên 60%) - đến từ người từng bị nhiễm Covid-19 hoặc là nhờ tiêm vắc xin - ở mức cao.
Tại Đông Nam Á, tình hình dịch chưa có dấu hiệu lắng dịu. Kế hoạch mở cửa trở lại 5 tỉnh của Thái Lan trong tháng tới có thể sẽ phải trì hoãn cho tới tháng 11 do tỷ lệ tiêm chủng ở các địa phương này vẫn chưa đạt mức 70%. Trong 24 giờ qua, Thái Lan có thêm 13.256 ca mắc Covid-19, mức cao nhất trong 4 ngày qua, đưa tổng số ca lên trên 1,52 triệu ca, trong đó 15.884 ca tử vong, tăng 131 ca.
Trong khi đó, Philippines ghi nhận 17.411 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 23-9, nâng tổng số ca bệnh từ đầu dịch ở nước này lên 2,43 triệu ca. Ngoài ra, số ca tử vong cũng tăng thêm 177 ca, lên 37.405 ca.
Tại Campuchia, Sở Lễ nghi và tôn giáo Đô thành Phnom Penh đã quyết định tạm thời ngừng toàn bộ các cuộc tụ tập lễ hội tôn giáo đông người tại thủ đô Campuchia cho đến khi có thông báo mới. Dự kiến, sáng 24-9, Campuchia sẽ tiếp nhận thêm 3 triệu liều vắc xin Sinovac đặt mua của Trung Quốc để thực hiện chiến lược tiêm phòng cho hơn 90% dân số nước này.
Ấn Độ hiện có 33.592.214 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 30.180 ca nhiễm mới.
Campuchia đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho gần 80% trong tổng trên 17 triệu người đang sinh sống và làm việc tại quốc gia này, trong đó tỷ lệ người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) được tiêm chủng là 98,35%; thanh, thiếu niên từ 12 đến dưới 18 tuổi là 88,55% và 56,49% ở nhóm trẻ em từ 6-12 tuổi.
Lào tiếp tục đẩy mạnh công tác xét nghiệm trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 tăng cao. Số lượng điểm xét nghiệm cố định cũng được bổ sung kết hợp thành lập nhiều đội xét nghiệm lưu động để phát hiện, cách ly và điều trị kịp thời cho người mắc bệnh; trưng dụng thêm một số cơ sở giáo dục làm điểm cách ly tập trung.
Singapore quy định tất cả bệnh viện công, bệnh viện tư nhân và bệnh viện cộng đồng trên toàn lãnh thổ không cho phép người đến thăm bệnh nhân trong vòng 4 tuần, bắt đầu từ ngày 24-9 cho đến hết ngày 23-10. Cùng với đó, các bệnh nhân có nguy cơ cao hơn (dù họ đã tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ hay chưa) sẽ đều phải bắt buộc xét nghiệm ART tại các khoa cấp cứu của bệnh viện.
Tại Malaysia, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết, nước này sẽ tăng tốc độ tiêm chủng vắc xin nhanh nhất có thể. Tính đến ngày 22-9, thông qua Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa Covid-19, khởi động từ ngày 24-2, đã có 81% dân số trưởng thành hoàn thành tiêm chủng, sớm hơn dự kiến.
Châu Âu
Dự kiến, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ đưa ra quyết định về việc phê chuẩn tiêm mũi tăng cường vắc xin Pfizer/BioNTech cho người trên 16 tuổi tại lục địa già vào đầu tháng 10.
Bồ Đào Nha sẽ tiến tới dỡ bỏ hầu hết các biện pháp ngăn ngừa Covid-19 kể từ ngày 1-10. Theo Thủ tướng Antonio Costa, nước này sẽ chỉ bảo lưu một số biện pháp cơ bản, như đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng. Bồ Đào Nha đã tiêm chủng cho hơn 8,5 triệu người - tương đương 83,4% dân số. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 885 ca nhiễm Covid-19 mới, 5 trường hợp tử vong.
Số học sinh mắc Covid-19 ở vùng England (Vương quốc Anh) đã tăng cao kỷ lục trong 7 ngày qua, gây lo ngại về những gián đoạn trong ngành giáo dục và nguy cơ làn sóng lây nhiễm mới ở những nhóm người lớn tuổi. Tỷ lệ trẻ em từ 5-14 tuổi mắc Covid-19 đã tăng 80%, lên tỷ lệ 811 ca/100.000 người trong tuần kết thúc vào ngày 19-9, vượt mức đỉnh hồi cuối tháng 7.
Các ca mắc mới ở trẻ em tăng vọt kéo theo sự gia tăng các ca mắc ở thế hệ phụ huynh trong độ tuổi từ 30-49, tăng 7%, lên mức 286 ca/100.000 người. Các chuyên gia cho rằng, cả Vương quốc Anh có thể đối mặt với những thách thức mới vào mùa đông khi các trường đại học hoạt động trở lại, mọi người dành nhiều thời gian trong nhà hơn và các tiếp xúc xã hội trở lại bình thường như thời kỳ trước đại dịch.
Châu Mỹ
Công ty Novavax của Mỹ và đối tác là Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đã nộp hồ sơ đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin ngừa Covid-19 của Novavax.
Đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu vắc xin sang một số nước tham gia Cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu (COVAX). Novavax và SII đã cam kết cung cấp hơn 1,1 tỷ liều cho cơ chế này nhằm tạo điều kiện cho các nước có thu nhập trung bình và thấp tiếp cận công bằng với vắc xin ngừa Covid-19.
Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng cho biết, thông qua COVAX, Mỹ đang vận chuyển gần 2,5 triệu liều vắc xin Covid-19 của Pfizer tới Bangladesh, dự kiến bàn giao vào đầu tuần tới. Số lượng mới nâng tổng số liều vắc xin ngừa covid-19 mà xứ Cờ hoa hỗ trợ quốc gia châu Á lên 9 triệu liều.
Tới nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, số ca tử vong trung bình mỗi ngày đã lần đầu tiên kể từ tháng 3 tăng lên mức 1.900 ca, khiến các bệnh viện dần trở lại trạng thái quá tải. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang yêu cầu đẩy mạnh xét nghiệm nhanh tại nhà để sớm kiểm soát làn sóng dịch bệnh mới.
Gửi phản hồi
In bài viết