Không gian triển lãm "Giao lưu gốm hội tụ bắc-nam hai miền".
Ban tổ chức cho biết, triển lãm trưng bày và giới thiệu 115 tác phẩm của gần 60 nghệ sĩ với nhiều thể loại, như: gốm nghệ thuật, điêu khắc, phù điêu, tranh gốm mỹ thuật, gốm ứng dụng… Cuộc quy tụ này góp phần mang đến một không gian sáng tạo thú vị, mới mẻ, đầy cảm xúc cho người yêu nghệ thuật gốm. Sự kiện cũng thuộc chuỗi hoạt động trong sơ kết trại sáng tác gốm Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.
Điểm nhấn của triển lãm chính là sự hòa nhịp, lan tỏa đầy sắc mầu, đường nét tinh hoa giữa các dòng gốm đặc trưng của hai miền bắc-nam, như: gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc), Phù Lãng (Bắc Ninh) với vẻ mộc mạc, bản sắc; trong khi gốm Bát Tràng (Hà Nội), Đồng Nai, Bình Dương lại cuốn hút với sự hòa quyện giữa đường nét truyền thống và các kỹ thuật hiện đại...
"Giao lưu gốm hội tụ bắc-nam hai miền" đã mang đến cho giới nghệ sĩ cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ về bí quyết làm nghề nhằm đưa đến cho công chúng thêm nhiều tác phẩm ý nghĩa.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: "Triển lãm lần này cho thấy hai phong cách rất khác biệt. Các tác phẩm của các tác giả phía bắc thường thiên về tạo hình điêu khắc với hình khối đơn giản do các nghệ nhân làm gốm vốn xuất thân là các nhà điêu khắc. Trong khi đó, gốm phía nam lại do các nghệ nhân xuất thân chủ yếu là họa sĩ nên sản phẩm thường có màu sắc mới lạ, rực rỡ, tạo hình phóng khoáng và ngẫu hứng".
Đến từ Hà Nội, nghệ sĩ Nguyễn Thị Thu Trang mang đến tác phẩm đất nung Phù Lãng "Thiếu nữ ngủ ngày" với những đường nét mềm mại, thân thuộc, gợi cảm khiến nhiều người liên tưởng tới vẻ đẹp tuyệt diệu mà tạo hóa đã ban tặng cho người phụ nữ. Vẻ đẹp ấy đi vào thơ ca, nhạc, họa... và trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho các văn nghệ sĩ.
Công chúng yêu nghệ thuật đã có dịp thưởng lãm những tác phẩm cô đọng giá trị truyền thống, thể hiện tinh thần tự hào, gìn giữ văn hóa Việt của các nghệ sĩ; đồng thời, các tác phẩm cũng thể hiện quá trình tiếp thu, sáng tạo không ngừng khi các nghệ sĩ đã mang đến những tác phẩm có tính ứng dụng cao, phù hợp với nhịp chuyển động không ngừng của cuộc sống.
"Hương sen" - tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Văn Cường đến từ Biên Hòa.
Theo các chuyên gia, đó không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật đích thực, có giá trị lâu dài mà còn có nhiều ứng dụng, trong đó nổi bật là trang trí nội thất. Nét sáng tạo này đã mở ra hướng đi mới, giúp gốm Việt Nam đến gần hơn với công chúng, thị trường trong nước và quốc tế.
Triển lãm "Giao lưu gốm hội tụ bắc-nam hai miền" kéo dài đến hết ngày 6/8 với nhiều hoạt động chia sẻ, giao lưu nghề nghiệp giữa các nghệ sĩ và công chúng.
Gửi phản hồi
In bài viết