Phố cổ Hà Nội trong sáng sớm ngày Quốc khánh 2/9. (Ảnh: GIANG TRỊNH)
Từng hai lần đoạt Giải nhất và một lần Giải Ấn tượng của cuộc thi nhiếp ảnh có tiếng là Canon Photo Marathon, song Giang Trịnh chưa từng theo học nhiếp ảnh chuyên nghiệp hay kiếm sống bằng nghề nhiếp ảnh. Tay máy sinh năm 1983 là một chuyên gia tài chính, coi nhiếp ảnh chỉ là đam mê và chụp ảnh Hà Nội là đề tài yêu thích nhất.
Nơi thường xuyên “triển lãm” các tác phẩm của Giang Trịnh cũng không phải không gian truyền thống mà là trang Facebook cá nhân, cùng vô số lượt chia sẻ trên các diễn đàn, hội nhóm về du lịch, nhiếp ảnh, văn hóa… Mỗi chùm ảnh Hà Nội 12 mùa hoa, mùa cây thay lá, phố cổ rêu phong của Giang Trịnh đều được người xem tích cực chia sẻ, thậm chí tạo thành phong trào đi chụp ảnh “check-in” tại địa điểm đẹp đó.
Đáng chú ý, mỗi dịp Quốc khánh 2/9 hằng năm, kể cả trong thời kỳ dịch Covid-19, tác giả này luôn đều đặn đăng tải những bộ ảnh tuyệt đẹp về Hà Nội rực rỡ cờ hoa, yên bình, trong trẻo. Chẳng hạn ngày 2/9/2015, bộ ảnh cuộc diễu binh trên phố Tràng Tiền của Giang Trịnh gần như phủ sóng mọi trang mạng xã hội, được hàng trăm tờ báo và trang tin đăng lại. Hoặc một khoảnh khắc khác gây ấn tượng mà nhiều người còn nhớ là bức ảnh chụp một tòa chung cư cao tầng treo cờ đỏ sao vàng đều tăm tắp, trang nghiêm và nổi bật giữa lòng thành phố…
Giang Trịnh chia sẻ anh dành tình yêu sâu sắc cho Hà Nội, tuy không phải nơi anh được sinh ra, nhưng gắn bó từ thuở ấu thơ. Trong anh, Hà Nội không chỉ đẹp về phong cảnh, về con người, mà còn đặc biệt thiêng liêng gắn với nhiều dấu mốc lịch sử trọng đại của đất nước. Mỗi dịp lễ, Tết, từng góc phố, từng hàng cây hay khu nhà cổ nơi đây càng thêm đẹp và đầy sức sống.
Dễ dàng nhận thấy tình cảm và tâm huyết dành cho Hà Nội qua những bức ảnh Giang Trịnh chia sẻ, song không nhiều người biết rằng một người truyền cảm hứng rất lớn cho anh chính là người cha công tác trong quân đội. Đó là một trong những lý do khiến Giang Trịnh luôn dành nhiều cảm xúc đặc biệt cho những dịp lễ lớn như kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước 30/4, Quốc khánh 2/9, Giải phóng Thủ đô 10/10, thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12… Anh cho biết, từ nhỏ đã được bố giải thích về ý nghĩa, về tầm quan trọng của những ngày này và luôn thấy rất tự hào. Rồi đến khi bắt đầu tiếp xúc với thiết bị ghi hình, khoảng từ năm 2003 đến 2005, Giang Trịnh tiếp tục có cảm hứng với không khí Thủ đô trong những ngày lễ lớn. Nhận ra nhiếp ảnh có sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ, nhất là trong thời đại công nghệ, anh càng hăng say đi, chụp và chia sẻ những hình ảnh chan chứa tình yêu Hà Nội, tinh thần dân tộc.
Với Giang Trịnh, ngày 2/9 năm nào anh cũng dành trọn vẹn ít nhất một buổi sáng ở Hà Nội, điều đó giống như một “nghi thức” riêng đầy ý nghĩa của bản thân. Và năm nay cũng vậy, nhiếp ảnh gia dậy sớm, dạo quanh các con phố như Phan Đình Phùng, quảng trường Ba Đình, khu vực chung quanh hồ Hoàn Kiếm như phố Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ… để chiêm ngưỡng thành phố mến yêu và sáng tác ảnh, đăng lên mạng cho bạn bè, người theo dõi cùng xem.
Nhiếp ảnh gia hóm hỉnh viết rằng, dường như người Việt Nam vô cùng yêu quốc kỳ, và để minh chứng cho điều đó là bộ ảnh đăng kèm với muôn mầu muôn vẻ cờ đỏ sao vàng tung bay, trên tay cụ già hay em nhỏ, tại nhiều góc thân quen của Hà thành…
Để có những khung hình đẹp, Giang Trịnh thường ngắm trước, chọn những bố cục hợp lý nhất, song khi chụp vẫn để cảm xúc dẫn dắt. Anh kể lại một kỷ niệm gần đây, khi bắt gặp một phụ nữ trung niên mặc áo cờ đỏ sao vàng đạp xe trong nắng sớm tạo nên khung cảnh rất đẹp, lập tức tác giả cũng đi theo qua nhiều con phố, trên đúng hành trình của nhân vật, để cuối cùng mới chớp được một tấm ảnh như ý. Anh cũng có sở thích chụp mưa, chụp hình những người lao động bình thường và những hoạt động trong cơn mưa.
Đôi khi, Giang Trịnh in ảnh để tặng cho các nhân vật, mang đến cho họ niềm vui nho nhỏ. Khi được hỏi sao không nhàm chán khi cứ chụp mãi ảnh về Hà Nội mà không có lợi ích kinh tế, Giang Trịnh khẳng định anh sẽ không bao giờ thấy chán và ngừng theo đuổi những khoảnh khắc đẹp. Lý do đơn giản là vì Hà Nội rất đáng để yêu, còn chụp ảnh thì mang lại sự vui vẻ hứng khởi cho mình và mọi người.
Sau gần 20 năm cầm máy, nhiếp ảnh gia Giang Trịnh thừa nhận những thay đổi trong ảnh của mình. Ngày trước, anh thường chụp phong cảnh, ảnh phải đẹp và lãng mạn, còn bây giờ anh lại thích phong cách nhiếp ảnh đường phố, ảnh có chiều sâu, không chú trọng sự hoàn hảo mà cần nhất là khơi gợi được sự rung động, phập phồng hơi thở của cuộc sống. Tác giả cũng tiết lộ nhiều bức ảnh Hà Nội đẹp lung linh được anh chụp bằng điện thoại chứ không phải máy ảnh chuyên nghiệp.
Điều quan trọng khi chụp ảnh không phải là thiết bị đắt tiền, mà là cảm xúc và khoảnh khắc. Nhờ ưu tiên những giây phút đậm chất “cuộc sống thường ngày”, những yếu tố ngẫu nhiên thú vị, cho nên nhiều tác phẩm của anh mới có được sự độc đáo, khó bắt chước, khó lặp lại.
Là một nhiếp ảnh gia trẻ, cập nhật công nghệ, anh cũng chia sẻ quan điểm thú vị về ảnh nghệ thuật được tạo ra bởi các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Theo Giang Trịnh, AI sẽ cho người dùng ý tưởng, hoặc có khả năng biến một hình ảnh còn chưa chuẩn thành tuyệt đối hoàn hảo. Tuy nhiên anh cho rằng các họa sĩ, nhiếp ảnh gia sẽ không thất nghiệp bởi AI, vì con người có thứ AI không có, đó là cảm xúc. Con người mới có quan sát và cảm nhận chân thật về cuộc sống diễn ra hằng ngày, hằng giờ, đôi khi không hoàn mỹ nhưng đó mới là điều có thật.
Với những người thực hành bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, được công chúng yêu mến và nhớ tên là vô cùng đáng quý. Giá trị đó chưa hẳn các giải thưởng hay danh hiệu có thể mang lại được. Giang Trịnh chỉ nhận mình là một người chơi ảnh và còn phải học hỏi nhiều ở các nhiếp ảnh gia khác, song kho ảnh đẹp về Hà Nội của anh sẽ còn mãi và trở thành một phần trong đời sống văn hóa, nghệ thuật Thủ đô. Và sau nhiều năm chuẩn bị, ấp ủ, tác giả dự kiến sẽ tổ chức triển lãm ảnh chủ đề Hà Nội vào cuối năm nay, tiếp tục góp phần lan tỏa tình yêu Hà Nội tới người dân và du khách.
Gửi phản hồi
In bài viết