Theo đó Lễ hội diễn ra trong thời gian 4 ngày, từ ngày 4-7/8, tại Quảng trường 20/11, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn.
Trong khuôn viên Lễ hội được bố trí 50 gian hàng trưng bày các loại trái cây có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, mít nghệ, mít tố nữ, mía tím... và các loại nông sản đặc trưng của huyện.
Các hoạt động mua bán, trao đổi sản phẩm nông sản sạch của bà con huyện Khánh Sơn với du khách diễn ra trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Song song đó, có nhiều hoạt động khác. Cụ thể như: Hội thảo xây dựng nền nông nghiệp sạch phát triển bền vững, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất; hội thi trái cây ngon; hội thi “Trưng bày trái cây nghệ thuật”, xác lập kỷ lục trái cây ngon, đẹp năm 2022; đêm hội Raglai; hội thi Già làng khéo tay; chương trình “Ẩm thực Khánh Sơn” giới thiệu các món ăn truyền thống, đặc trưng của địa phương; chương trình múa hát tập thể “Thanh niên Khánh Sơn nối vòng tay bè bạn”; tổ chức các trò chơi dân gian; giải việt dã “Check-in Khánh Sơn”; biểu diễn khinh khí cầu, dù lượn có gắn động cơ...
Theo Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn, nằm ở độ cao trung bình từ 400-800m so với mặt nước biển, Khánh Sơn có khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp hình thành vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Huyện tổ chức Lễ hội trái cây nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp, du lịch của huyện; giúp nông dân kết nối cung cầu, hợp tác liên kết, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tiếp cận thông tin, tiếp cận công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp; giới thiệu hình ảnh, con người, ẩm thực và sản phẩm du lịch của huyện Khánh Sơn, góp phần thực hiện định hướng phát triển kinh tế-xã hội huyện Khánh Sơn thành đô thị sinh thái núi rừng; sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết