Đình công phản đối kế hoạch cải cách hưu trí của Chính phủ, tại Paris, Pháp, ngày 13-4 vừa qua. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 3-5, Hội đồng Hiến pháp (Tòa án hiến pháp) của Pháp đã bác yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân về luật cải cách hưu trí gây tranh cãi của nước này.
Khoảng 250 nghị sỹ thuộc phe cánh tả đã đề nghị trưng cầu ý dân nhằm ngăn các nỗ lực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi. Tuy nhiên, Hội đồng Hiến pháp đã bác đề xuất với lý do không đáp ứng được các tiêu chí cần thiết để tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân.
Các nhà lập pháp thuộc phe cánh tả dự định tiếp tục trình một dự luật khác lên Quốc hội Pháp vào ngày 8-6 tới nhằm nỗ lực thu hẹp các nội dung quan trọng của luật hưu trí mới. Tuy nhiên, ngay cả khi được thông qua ở Hạ viện, nơi đảng cầm quyền không chiếm đa số, Thượng viện cũng khó có thể thông qua dự luật này của phe đối lập.
Tổng thống Macron đã ký ban hành luật hưu trí sửa đổi vào ngày 15-4 vừa qua, theo đó tăng tuổi nghỉ hưu của công dân Pháp từ 62 lên 64 tuổi.
Việc ký ban hành luật được thực hiện một ngày sau khi Hội đồng Hiến pháp thông qua các phần chính trong dự luật. Những thay đổi này dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm nay.
Đây được xem là một chiến thắng cho ông Macron, song các nhà phân tích cho rằng tổng thống 45 tuổi này cũng phải trả giá đắt về mức tín nhiệm, khi các cuộc biểu tình bạo lực gây đình trệ nhiều hoạt động ở Pháp trong nhiều tháng qua.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ Pháp, hàng trăm nghìn người đã tuần hành trong Ngày Quốc tế Lao động 1-5 để phản đối kế hoạch cải cách hưu trí của chính phủ. Trong khi đó, Tổng liên đoàn lao động CGT ước tính có 2,3 triệu người đã tham gia biểu tình trên toàn nước Pháp.
Đây cũng là ngày thứ 13 diễn ra chiến dịch phản đối do các công đoàn vận động để chống lại cải cách lương hưu của chính phủ, nên các cuộc diễu hành ôn hòa đã nhanh chóng biến thành bạo động khi căng thẳng bùng phát tại các khu vực trung tâm. Lực lượng an ninh đã bắt giữ ít nhất 291 người biểu tình quá khích, trong khi đụng độ đã khiến 108 cảnh sát bị thương.
Các nghiệp đoàn lao động cũng đã kêu gọi tổ chức ngày biểu tình thứ 14 trên khắp nước Pháp vào tháng 6 tới nhằm tiếp tục phản đối kế hoạch cải cách hưu trí của chính phủ.
Gửi phản hồi
In bài viết