Các đại biểu dự buổi toạ đàm, khảo sát nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Qua hơn 10 năm thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, những chính sách của tỉnh đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, nâng cao chất lượng việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Công tác giám sát, phản biện xã hội được triển khai, thực hiện gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, địa phương, đơn vị; các nội dung bám sát thực tế, quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo niềm tin vững chắc đối với cấp ủy, chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, công tác giám sát, phản biện xã hội ở một số nơi vẫn còn hạn chế, chưa đảm bảo tính toàn diện, nội dung giám sát chưa tập trung vào những vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm; công tác phản biện xã hội chủ yếu thực hiện ở cấp tỉnh, cấp huyện, từ nhiệm kỳ 2019 – 2024 mới thực hiện ở cấp xã.
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã phát biểu ý kiến tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội tại cơ sở trong thời gian qua. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế và đề xuất những việc cần thực hiện trong thời gian tới.
Kết quả của buổi tọa đàm, khảo sát là cơ sở đề đoàn công tác đánh giá toàn diện, khách quan những ưu điểm, hạn chế; khó khăn vướng mắc, từ đó có những điều chỉnh phù hợp phục vụ xây dựng Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2024 – 2029.
Gửi phản hồi
In bài viết