Dự tọa đàm có các đồng chí: Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Thế Trung, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương; Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương.
Đại biểu của tỉnh có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Hồng Thắng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Ma Thế Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy các thời kỳ; các nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử Đại hội II của Đảng.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thu Hương
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Chẩu Văn Lâm mong muốn các đại biểu bằng kinh nghiệm thực tiễn, quá trình nghiên cứu nhiều năm, sự tâm huyết với công tác dân vận của Đảng và tình cảm với Tuyên Quang làm rõ hơn những đóng góp của công tác dận vận đối với thành công chung của Đại hội; những đóng góp của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh đối với Đại hội; khẳng định vai trò của “Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến” trong cách mạng Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, buổi tọa đàm được tổ chức trước thềm Đại hội XIII của Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định sức sống của đường lối và nhiều chủ trương lớn quan trọng của Đảng ta từ Đại hội II. Đồng chí khẳng định, gìn giữ và phát triển đường lối, phương thức lãnh đạo của Đảng đặt ra tại Đại hội II là phù hợp với tình hình thực tiễn lúc đó, trong đó, có chủ trương, đường lối về công tác dân vận của Đảng.
Các đại biểu tham luận tại tọa đàm. Ảnh: Thành Công.
Tại tọa đàm, các đại biểu, nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử bằng kinh nghiệm thực tiễn, qua nhiều năm dày công nghiên cứu, sự tâm huyết với công tác dân vận của Đảng và tình cảm với mảnh đất, con người Tuyên Quang đã tham luận, làm rõ bối cảnh, nội dung, vai trò và ý nghĩa lịch sử của Đại hội II của Đảng, những đóng góp của công tác dân vận, của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đối với Đại hội; khẳng định vai trò, vị thế của tỉnh Tuyên Quang trong cách mạng Việt Nam. Đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để làm tốt hơn nữa công tác dân vận trong thời gian tới.
Phát biểu bế mạc tọa đàm, đồng chí Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng khẳng định, các ý kiến đã góp phần cung cấp thêm thông tin quý giá về Đại hội II của Đảng; làm sáng tỏ và khẳng định những đóng góp của công tác dân vận vào thành công Đại hội. Ban Dân vận Tỉnh ủy Tuyên Quang tiếp thu các ý kiến phát biểu của Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang và Ban Dân vận Trung ương, các đại biểu, nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử. Tọa đàm là tiền đề để hệ thống dân vận, Ban Dân vận Tỉnh ủy Tuyên Quang tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiên cứu, tham mưu với cấp ủy về công tác dân vận; giáo dục truyền thống, lòng tự hào, yêu nước, yêu quê hương của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương
Từ sức mạnh của “ngọn cờ” Mặt trận
Một trong những nhân tố góp phần quan trọng vào thành công Đại hội II của Đảng là công tác dân vận của Đảng. Các tầng lớp nhân dân đã hưởng ứng chủ trương, chính sách của Đảng qua từng thời kỳ cách mạng, hăng hái tham gia các tổ chức Mặt trận do Đảng chủ trương thành lập để vừa tham gia kháng chiến, vừa đóng góp xây dựng đất nước. Sức mạnh của “ngọn cờ” Mặt trận đã huy động được sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Đây là đóng góp lớn nhất của công tác dân vận cho cuộc kháng chiến để Đảng ta quyết định triệu tập Đại hội II.
Thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng chứng tỏ đường lối quần chúng rất đúng đắn. Đảng nhất quán quan điểm “lấy dân làm gốc”, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng nhân dân mà nòng cốt là giai cấp công nhân, nông dân qua các thời kỳ cách mạng. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định tư tưởng, chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Đồng chí Lê Văn Quốc, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy
Công tác dân vận góp phần vào thành công Đại hội II của Đảng
Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã thực hành tốt các quan điểm, đường hướng về công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh, lãnh đạo xuất sắc các tổ chức: Việt Minh, Liên Việt, Thanh niên, Phụ nữ, Nhi đồng, trí thức, Hoa Kiều, công giáo và quần chúng tham gia bảo vệ quê hương, bảo vệ an toàn các cơ quan Trung ương và Bác Hồ, để lãnh đạo Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Trong đó, các tổ chức đảng đã vận động nhân dân các dân tộc của tỉnh khai thác hàng trăm cây mía, 1 vạn cây mai, 10 vạn cây nứa, 8 vạn lá cọ, 5.000 m3 gỗ xẻ, đào đắp hơn 3.000 m3 đất làm nền nhà, đường đi, hầm hào tránh máy bay; đóng góp 7.000 công kỹ thuật và 1 vạn dân công làm gần 30 ngôi nhà và 1 hội trường lớn. Nhân dân xã Kim Bình và các xã lân cận đã đóng góp nhiều công sức trong việc xây dựng các trận địa phòng không đặt trên các đỉnh núi cao bao quanh khu vực Đại hội, đào công sự, hầm hào, vận chuyển vũ khí, đạn dược lên trận địa để bảo vệ Đại hội…
Đồng chí Ma Phúc Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa
Tự hào đóng góp cho thành công cho Đại hội II của Đảng
Đảng bộ và nhân dân xã Kim Bình rất tự hào vì đã tham gia hàng vạn ngày công để vận chuyển nguyên, vật liệu làm đường giao thông, đào hầm, xây dựng nhà cửa, đóng bàn ghế, làm giao thông liên lạc, canh gác xung quanh khu vực Đại hội; đóng góp lương thực, thực phẩm, góp phần tích cực trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho Đại hội II của Đảng. Thực hiện chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”, nhân dân xã Kim Bình đã tích cực đào đường, bỏ vườn không nhà trống chuẩn bị trận địa. Bên cạnh đó đã thực hiện tốt việc nuôi giấu bộ đội, bảo vệ an toàn cho các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, giữ gìn bí mật cho hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hoạt động của các cơ quan Trung ương. Các trạm du kích của thôn Bó Củng, trạm gác Đèo Nga, thôn Khuôn Nhự, trạm gác Đèo Nàng, thôn Đèo Nàng… đã thực hiện tốt nhiệm vụ phòng gian bí mật. Đồng thời còn làm nhiệm vụ đưa đón đại biểu về dự Đại hội II của Đảng và các hội nghị quan trọng khác diễn ra ở xã Kim Bình.
Ông Hoàng Văn Bảo, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kim Bình (Chiêm Hóa)
Tự hào được chứng kiến lịch sử
Trong thời gian Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được chuẩn bị và tổ chức tại xã Kim Bình (từ 1947 đến cuối năm 1952), tôi còn nhỏ. Khi ấy bố tôi làm cán bộ xã nên gia đình tôi vinh dự nhiều lần được đón tiếp các đồng chí Trung ương ở tại nhà tôi. Tôi cũng thường được theo bố cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương đi khảo sát địa hình, địa vật, xác định vị trí địa điểm để tổ chức đại hội và vào khu vực nơi diễn ra Đại hội. Đồng thời, được giao nhiệm vụ coi kho thóc phiên thứ 2, đi kiểm tra chuồng lợn để phục vụ công trường. Tôi được đến xem và cổ vũ các anh chị dân công chơi thể thao, giải trí và được xem phim màn ảnh rộng. Tôi còn được chứng kiến không khí chuẩn bị hội trường, công tác bảo vệ Đại hội, cảm nhận được không khí trang nghiêm và hình ảnh Bác Hồ đứng đọc khai mạc trên ghế Đoàn Chủ tịch Đại hội… Đó là những ký ức đẹp, đáng tự hào, là động lực để tôi luôn phấn đấu, cống hiến và dành trọn cuộc đời cho Đảng.
Gửi phản hồi
In bài viết