Theo thỏa thuận, hai trung tâm sẽ hoạt động từ mùa xuân năm nay dưới quyền tài phán của Italia, và nước này sẽ chi trả mọi chi phí phát sinh trong trường hợp kế hoạch gặp cản trở về mặt tư pháp. Thỏa thuận đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhóm đối lập và nhân quyền.
Thủ tướng Italia Giorgia Meloni (phải) và người đồng cấp Albania Edi Rama tại Palazzo Chigi, Rome, Italia. Ảnh: Reuters
Tòa án Hiến pháp Albania ra phán quyết rằng, thỏa thuận này "phù hợp với hiến pháp" và giờ đây văn kiện có thể tiếp tục được phê chuẩn tại quốc hội.
Các nhà lập pháp từ đảng Dân chủ đối lập của Albania đã thách thức thỏa thuận này tại tòa án, nói rằng, nó vi phạm hiến pháp khi chuyển giao lãnh thổ và quyền lực nhà nước cho một quốc gia khác.
Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc thì cho rằng, thỏa thuận này làm dấy lên lo ngại về việc giam giữ tùy tiện và điều kiện sống của người di cư. Kế hoạch này được so sánh với kế hoạch của Chính phủ Anh nhằm gửi những người xin tị nạn đến Rwanda, đã bị Tòa án tối cao Anh phản đối. Trong khi Brussels đánh giá, thỏa thuận di cư của Italia không vi phạm luật pháp của Liên minh châu Âu (EU).
Theo thỏa thuận được công bố vào tháng 11 năm ngoái, thành viên EU - Italia sẽ mở hai trung tâm trên biển Adriatic ở Albania, quốc gia không phải là thành viên EU.
Theo đó, một trung tâm sẽ sàng lọc những người di cư khi đến nơi và trung tâm thứ hai sẽ tạm giữ họ trong quá trình đơn xin tị nạn được xử lý. Những người di cư sau đó sẽ được phép vào Italia hoặc hồi hương.
Thỏa thuận trên đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia không phải thành viên EU thay mặt cho quốc gia EU tiếp nhận người di cư. Đây là một phần trong nỗ lực của EU nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư tăng bất thường.
Dự kiến, hai trung tâm mới có thể tiếp nhận 36.000 người di cư mỗi năm, tuy nhiên con số này còn phụ thuộc vào tốc độ xử lý các đơn xin tị nạn.
Gửi phản hồi
In bài viết