Tái hiện lễ cưới của đồng bào Bana tại Làng năm 2022.
Các hoạt động chính trong dịp này bao gồm diễn đàn văn hóa với chủ đề: “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; Triển lãm giới thiệu bộ sưu tập hiện vật về văn hoá các tộc người; Tái hiện những lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc và các hoạt động thể thao quần chúng.
Trong đó, Diễn đàn văn hóa “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” dự kiến diễn ra ngày 15/4, với khoảng 40 tham luận, 2 talk show, trưng bày các hình ảnh về sắc màu văn hoá các dân tộc Việt Nam kết hợp với thực hành di sản và nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt, xoè, sạp…
Trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên.
Một số nghệ thuật trình diễn được UNESCO ghi danh và một số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại; Nghệ thuật sân khấu Rô băm của dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng; Trích đoạn nghi thức truyền thống của dân tộc Mạ tỉnh Lâm Đồng, dân tộc Thái tỉnh Thanh Hoá… cũng được giới thiệu, trình diễn tại diễn đàn.
Diễn đàn là hoạt động thiết thực triển khai hiệu quả những nội dung của Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021; Chiến lược phát triển Văn hoá đến năm 2030; Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương Văn hoá Việt Nam” và 15 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 19/4 hằng năm là Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, trong khuôn khổ ngày hội, triển lãm giới thiệu bộ sưu tập hiện vật về văn hoá các tộc người sẽ diễn ra từ ngày 15-19/4.
Triển lãm trưng bày các hiện vật văn hóa gắn với đời sống sinh hoạt của tộc người tại địa phương đặc biệt qua nhạc cụ dân tộc kết hợp thao tác, trình diễn. Các hiện vật gồm có đồ dùng, vật dụng, tài liệu về văn hóa của các dân tộc, về đời sống sinh hoạt, sản xuất, tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào…
Mỗi hiện vật chứa đựng cả đời sống tinh thần, là những câu chuyện văn hóa, linh hồn của tộc người vùng đất ấy góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng tin, sự phấn khởi cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của các cộng đồng dân tộc trong việc nhân lên và lan tỏa sâu rộng ý nghĩa của các giá trị văn hoá dân tộc.
Chùa Khmer tại Làng.
Cũng trong dịp này, một số lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc cũng được tái hiện, như nghi lễ nông nghiệp truyền thống “Mang lúa về kho” (Nhô Yàng kòi) của dân tộc Mạ tỉnh Lâm Đồng (dự kiến ngày 15/4); Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng (dự kiến ngày 15/4); Lễ cúng ché của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk và giới thiệu bộ sưu tập ché độc đáo của dân tộc Ê Đê (dự kiến ngày 16/4); Lễ Chá mùn của dân tộc Thái tỉnh Thanh Hóa (dự kiến ngày 16/4).
Bên cạnh đó, còn có các hoạt động của cộng đồng các dân tộc đang hoạt động tại Làng gồm tái hiện, trình diễn các nghi lễ, trang phục, dân ca, dân vũ, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, trò chơi, phong tục tập quán… tại chính không gian ngôi làng của dân tộc mình.
Các hoạt động thể thao quần chúng, các môn võ cổ truyền Việt Nam cũng được giới thiệu trong dịp này, dự kiến vào ngày 16/4.
Gửi phản hồi
In bài viết