Tổng dư nợ ngành Ngân hàng đạt hơn 30.110 tỷ đồng

- Chiều 12-1, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024. Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các địa biểu dự hội nghị.

Năm 2023, ngành ngân hàng tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Nhà nước, của ngành về các chính sách tín dụng. Đến hết 31-12-2023, tổng dư nợ ngành Ngân hàng đạt hơn 30.110 tỷ đồng, tăng 14,6%; nguồn vốn huy động đạt hơn 33.187 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2022. Nợ xấu 163 tỷ đồng, chiếm 0,5% trên tổng dư nợ. Ngành Ngân hàng tỉnh thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước…

Ngân hàng Nhà nước tỉnh triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024.

Năm 2024, ngành Ngân hàng tỉnh phấn đấu nguồn vốn huy động tại địa phương tăng từ 15% trở lên. Đầu tư tín dụng phấn đấu tăng trưởng đạt mức chỉ tiêu định hướng của Ngân hàng Nhà nước là 15%/năm. Trong đó, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại tỉnh không thấp hơn chỉ tiêu được Trụ sở chính giao hàng năm và định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tăng trưởng tín dụng chính sách tỉnh tăng từ 10% trở lên. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng nhỏ hơn hoặc bằng 2%/tổng dư nợ.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn biểu dương và ghi nhận những cố gắng, kết quả của ngành Ngân hàng tỉnh đã đạt được. Đồng chí nhấn mạnh, năm 2024, ngành Ngân hàng tỉnh thực hiện quyết liệt các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác điều hành trong toàn ngành; duy trì tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước, hướng vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, ưu tiên vốn tập trung đầu tư cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực đột phá của tỉnh; chú trọng tăng cường tín dụng phải đi kèm với kiểm soát chất lượng tín dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Cùng với đó đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh thanh kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nợ xấu và giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ngân hàng…

Tin, ảnh: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục