Tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2023 là 1.620.744 tỷ đồng

Chiều 11-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình.

Với 451 đại biểu có mặt/456 đại biểu tham gia - 451 đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng thu ngân sách nhà nước năm 2022 vượt dự toán khá lớn cho thấy công tác dự báo còn chưa sát với tình hình thực tế, đề nghị cần đánh giá lại khả năng thu cho phù hợp. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ cấu tăng thu ngân sách nhà nước chưa bền vững; tăng thu nội địa thấp, tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, từ dầu thô, trong khi thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp hụt thu lớn.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu ngân sách, tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững. Đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng các giải pháp thực hiện giai đoạn 2021-2025, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; sớm phê duyệt, điều chỉnh đề án tái cơ cấu doanh nghiệp; ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện.

Theo đồng chí Hoàng Thanh Tùng, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, chuyển nguồn lớn; đề nghị giảm vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia dự kiến năm 2023 để phù hợp với khả năng giải ngân. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quyết liệt triển khai, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đồng thời, xin Quốc hội cho phép kéo dài sang năm 2023 nguồn kinh phí còn dư, chưa giải ngân hết của 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Một số ý kiến cho rằng, tình trạng nhiều địa phương, bộ, ngành đề nghị được trả lại vốn ODA cần phải được xem xét nghiêm túc, đánh giá lại tính hợp lý của việc huy động, tránh lãng phí, tạo gánh nặng về nợ công mà không mang lại hiệu quả thực tế. Có ý kiến cho rằng, việc chậm giải ngân vốn ODA dẫn đến việc phải kéo dài dự án, gây lãng phí nguồn lực.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc trả lại kế hoạch do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, công tác xây dựng kế hoạch chưa tốt, tư duy nhiệm kỳ, xây dựng danh mục dự án, kế hoạch chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà từ ý muốn chủ quan. Trong thời gian tới, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ, căn cơ hơn trong việc yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nâng cao chất lượng đề xuất, công tác chuẩn bị, phê duyệt dự án ODA, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện, nghiên cứu chế tài xử lý đối với các trường hợp trả lại kế hoạch vốn hằng năm do nguyên nhân chủ quan.

 Các đại biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023.

Về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, một số ý kiến cho rằng dự toán tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước được xây dựng chỉ tương đương với ước thực hiện năm 2022 (chỉ tăng khoảng 0,4%) là chưa phù hợp với tiềm năng, đặc biệt trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%, lạm phát khoảng 4% và đề nghị dự toán thu năm 2023 ở mức cao hơn để có nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, giảm bội chi ngân sách Nhà nước.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, như sự biến động khó lường của giá dầu, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hạ nhiệt trong những tháng gần đây, để bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia, tránh rủi ro khi dự toán thu không đạt, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chi ngân sách, đồng thời bảo đảm kịp thời phân bổ, giao dự toán năm 2023, tránh xáo trộn quá lớn dự toán thu của các địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giữ như phương án Chính phủ trình. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến các đại biểu, trường hợp thu ngân sách Trung ương năm 2023 vượt so với dự toán, đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ theo hướng bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định và ưu tiên giảm bội chi ngân sách nhà nước.

Nhiều ý kiến đề nghị cần điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1-1-2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương; có ý kiến đề nghị tăng 12,5% chi cho đối tượng trợ cấp hằng tháng. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu áp dụng tăng lương từ 1-1-2023 thì đúng vào thời điểm đầu năm gần với Tết dương lịch và âm lịch. Đây là thời điểm nhạy cảm, nhu cầu mua sắm sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh, tạo sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây áp lực đối với việc kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tại Kết luận số 42-KL/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương đã đồng ý điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo đề nghị của Ban Cán sự đảng Chính phủ và thời điểm áp dụng từ ngày 1-7-2023. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu theo đúng tinh thần Kết luận số 42-KL/TƯ của Ban chấp hành Trung ương và đúng theo Tờ trình Chính phủ.

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023

- Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.620.744 tỷ đồng.

- Tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.076.244 tỷ đồng.

- Mức bội chi ngân sách nhà nước là 455.500 tỷ đồng, tương đương 4,42% tổng sản phẩm trong nước (GDP), bao gồm: Bội chi ngân sách trung ương là 430.500 tỷ đồng, tương đương 4,18% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 25.000 tỷ đồng (hai mươi lăm nghìn tỷ đồng), tương đương 0,24% GDP.

- Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 648.213 tỷ đồng.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục