Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva (bên trái) trước giờ lên máy bay thăm Trung Quốc.
Sau lần trì hoãn vào tháng 3 vì viêm phổi, chuyến công du được lên lịch lại ngay sau khi Tổng thống Lula da Silva bình phục cho thấy vai trò quan trọng của Bắc Kinh trong chính sách đối ngoại của Brazil. Đây cũng là chuyến thăm chính thức thứ ba của nhà lãnh đạo 77 tuổi này tới Trung Quốc, sau hai chuyến thăm cấp Nhà nước vào các năm 2004 và 2009 - đều trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.
Tại Bắc Kinh, Tổng thống Lula da Silva có cuộc hội đàm chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gặp gỡ Thủ tướng Lý Cường và Chủ tịch Quốc hội Triệu Lạc Tế. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Brazil sẽ khảo sát thực tế một nhà máy sản xuất của Huawei; thăm trụ sở của Ngân hàng Phát triển mới (NDB) thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại Thượng Hải và dự lễ nhậm chức của tân Chủ tịch NDB Dilma Rousseff, vốn là cựu Tổng thống Brazil.
Đáng chú ý, nhân chuyến công du, Trung Quốc và Brazil sẽ ký và trao nhận hơn 20 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ, chuyển đổi năng lượng và các lĩnh vực hợp tác khác trong khuôn khổ liên kết chiến lược song phương ký kết từ năm 2002; đồng thời ký kết thỏa thuận đẩy mạnh sử dụng đồng real và đồng nhân dân tệ trong giao dịch thương mại song phương.
Theo giới quan sát, chuyến thăm lần này có ý nghĩa to lớn với cả hai quốc gia, đặc biệt là về thương mại. Những năm gần đây, hợp tác giữa Brazil và Trung Quốc phát triển hiệu quả. Hiện nay, Brazil kỳ vọng có thể tận dụng công nghệ từ nền kinh tế hàng đầu châu Á, nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa đất nước. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là “ông lớn” ngành viễn thông Huawei, đang muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Brazil.
Chính trị cũng là một ưu tiên trong chương trình nghị sự. Trong cuộc hội đàm lần này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Brazil sẽ đề xuất sáng kiến xây dựng nền hòa bình tại Ukraine, trong đó Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia cùng đóng vai trò trung gian hòa giải quốc tế. Diễn biến này hiện thực hóa chính sách đối ngoại mà Tổng thống Lula da Silva theo đuổi từ khi nhậm chức nhiệm kỳ mới vào đầu năm 2023.
Với mong muốn tái định vị đất nước trên bản đồ địa chính trị, Brazil hiện ưu tiên thúc đẩy hợp tác với các đối tác khu vực và quốc tế nhằm giải quyết thách thức toàn cầu, qua đó phát huy sức mạnh mềm quốc gia. Biểu hiện của nỗ lực này là việc gần đây, Brasilia đã thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hội nhập khu vực, đưa Brazil tham gia trở lại một loạt tổ chức, mà mới nhất là Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR)...
Ở chiều ngược lại, vị thế và vai trò của Trung Quốc ở khu vực Mỹ Latinh đương nhiên sẽ được củng cố và tăng cường sau chuyến thăm của nhà lãnh đạo Brazil. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định, chuyến thăm là cơ hội để nâng cấp hợp tác hữu nghị, cùng có lợi trong các lĩnh vực khác nhau, mang lại năng lượng tích cực hơn cho sự đoàn kết, hợp tác và ứng phó chung của các nước đang phát triển trước những thách thức toàn cầu. Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cũng khẳng định, Bắc Kinh mong muốn củng cố lòng tin chính trị với Brasilia và kêu gọi hai nước nỗ lực nâng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện lên tầm cao mới.
Có thể nói, chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Brazil Lula da Silva thực sự là “một mũi tên trúng nhiều đích”, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, tiếp tục củng cố mối quan hệ song phương tốt đẹp theo hướng hai bên cùng có lợi.
Gửi phản hồi
In bài viết