Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) gặp gỡ với Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei
và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (bên phải).
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) gặp gỡ với Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (bên phải).
Đây là chuyến thăm Iran lần thứ tư của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong 7 năm qua và là cuộc gặp ba bên đầu tiên do Tổng thống Iran Ebrahim Raisi chủ trì sau khi nhậm chức vào năm ngoái, đồng thời là lần gặp đầu tiên giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan với người đồng cấp Nga kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine.
Mục đích chính thức của chuyến thăm là tham dự hội nghị thuộc khuôn khổ "Tiến trình hòa bình Astana” giải quyết cuộc xung đột ở Syria. Tại hội nghị, ba nhà lãnh đạo đã thông qua một tuyên bố chung, cam kết củng cố hợp tác theo lợi ích của việc "bình thường hóa" tình hình ở Syria. Ba bên cũng chia sẻ quan điểm khủng hoảng Syria có thể giải quyết bằng biện pháp chính trị và ngoại giao...
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là chuyến thăm Tehran lần này đã trở thành cơ hội để Tổng thống Nga trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm dàn xếp những khác biệt, tìm kiếm đồng thuận, xây dựng các quan hệ hợp tác vì lợi ích lâu dài của khu vực. Thực tế, những thảo luận trong các cuộc gặp đã đề cập đến một loạt vấn đề nóng hiện nay, từ xung đột Ukraine đến khủng hoảng năng lượng, lương thực.
Những trao đổi này rất quan trọng với Nga, vốn đang triển khai chính sách ngoại giao tập trung vào các nước không thuộc phương Tây, với trọng tâm là Trung Đông và Bắc Phi. Từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát, Liên minh châu Âu (EU) cấm không phận với Nga cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm vận tải hàng không chủ chốt đi về phía Tây của Nga.
Sự sụp đổ của các tuyến đường thương mại truyền thống cũng tạo động lực phát triển cho các hành lang mới đi qua Mumbai (Ấn Độ), Iran và biển hồ Caspi. Hơn thế nữa, Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay luôn tìm cách làm trung gian các cuộc đàm phán về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine, đồng thời ủng hộ tích cực các cuộc đàm phán để gỡ nút thắt ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen.
Với Iran, chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin, cũng như của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đều mang lại cho nước Cộng hòa Hồi giáo uy tín trên trường quốc tế. Việc gặp gỡ với các đối tác quan trọng sẽ giúp Iran, cũng như Nga tạo lập thế cân bằng chiến lược trong quan hệ với phương Tây, song song cho phép Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định tiếng nói, vai trò trong các vấn đề khu vực và thế giới.
Chuyến thăm cũng mang lại nhiều ích lợi về thương mại. Điển hình, Công ty Dầu khí quốc gia Iran (NIOC) và Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga đã ký thỏa thuận lịch sử 40 tỷ USD đầu tư vào các dự án dầu và khí đốt - là cam kết đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lịch sử của ngành dầu mỏ Iran. Hai bên cũng sẽ hợp tác hoàn thành các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng như xây dựng các đường ống xuất khẩu khí đốt và các thỏa thuận hoán đổi liên quan đến khí đốt tự nhiên và các sản phẩm dầu mỏ.
Có thể thấy, chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin là sự khẳng định Nga sẽ cùng Iran hướng tới hợp tác chiến lược, cả trên phương diện song phương và toàn cầu, đồng thời củng cố được quan hệ dựa trên lợi ích với Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có tiếng nói trung gian quan trọng. Việc chuyến thăm diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công du Israel và Saudi Arabia, cũng khiến sự kiện này được xem là câu trả lời của Nga dành cho Mỹ trong vấn đề Trung Đông.
Gửi phản hồi
In bài viết