Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu trên truyền hình tối 5/12. |
Nước Pháp một lần nữa rơi vào khủng hoảng chính trị khi chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier không thể tiếp tục hoạt động sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 4/12 tại Quốc hội. Đây là lần thứ 2 trong nền Cộng hòa Pháp thứ 5 tại Pháp, chính phủ bị lật đổ do Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Sáng 5/12, Thủ tướng Michel Barnier đã nộp đơn lên tổng thống xin từ chức và đã được chấp thuận, đồng thời nội các của ông cũng bị bãi nhiệm.
Đề cập đến kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng việc giải tán chính phủ là “không thể hiểu được” dù ông Michel Barnier đã có một số nhượng bộ với các đảng phái đối lập và đây “là trách nhiệm của tổng thống”. Ông chỉ trích "mặt trận chống nền Cộng hòa" của phe cực tả và cực hữu khi đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ.
Tổng thống Emmanuel Macron cho biết sẽ bổ nhiệm một thủ tướng khác trong mấy ngày tới. Chính phủ mới sẽ có đại diện của các lực lượng chính trị tại Quốc hội hoặc phải có cam kết không bỏ phiếu bất tín nhiệm nữa.
Các đảng phái đối lập đã liên tục yêu cầu Tổng thống Pháp từ chức, nhất là sau cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào tháng 7. Dù vậy, Tổng thống Pháp bác bỏ khả năng từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2027, đồng thời nhấn mạnh rằng trách nhiệm của ông là bảo đảm tính liên tục của Nhà nước.
Tổng thống Pháp cũng cho biết, trong trường hợp không có ngân sách chính thức cho năm 2025, một dự luật tài chính đặc biệt sẽ được trình lên Quốc hội vào giữa tháng 12 để bảo đảm hoạt động của các dịch vụ công.
Chính trường diễn biến phức tạp, nhất là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vừa qua, đã gây ra tác động rất lớn đến xã hội Pháp. Theo thăm dò dư luận của hãng Harris Interactive, tiến hành sau khi chính phủ bị lật đổ, 82% lo ngại cho tương lai của đất nước. Kết quả này ở mức cao như cuộc điều tra của viện IFOP tiến hành vào tháng 11/2023 với 85%.
Sau khi quyết định giải tán để bầu lại Quốc hội trước thời hạn vào tháng 7 vừa qua, Tổng thống Emmanuel Macron đã phải mất hai tháng mới chọn được ông Michel Barnier, thuộc cánh hữu, để thành lập chính phủ trong bối cảnh không có đảng nào dành được đa số tại Quốc hội. Dù vậy, chính phủ chỉ có thể hoạt động trong vòng 3 tháng vì các đảng phái đối lập phản đối gay gắt.
Quốc hội vẫn bị chia thành 3 khối như cũ gồm Liên minh cánh tả (Mặt trận Bình dân Mới), liên minh các đảng cánh hữu, cánh trung, đảng của tổng thống và đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc. Tới giữa năm 2025 mới có thể bầu lại Quốc hội, do vậy chính trường Pháp còn diễn biến phức tạp và khuôn khổ hành động của tổng thống bị hạn chế.
Dự kiến, ngày 6/12, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ gặp đại diện của một số đảng phái, trong đó có đảng Xã hội và đảng cánh hữu Những người Cộng hòa, tại Điện Elysée nhằm tìm giải pháp để tránh tình trạng chính trường bị tê liệt.
Gửi phản hồi
In bài viết