Các nhà phân tích nhận định, bên cạnh những thành tựu Ấn Độ đạt được khiến thế giới phải “ghen tị” thì cũng có không ít thách thức mà người đứng đầu quốc gia này phải đối mặt trong nhiệm kỳ tới.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫy tay chào những người ủng hộ ông trong một chiến dịch tranh cử ở Kolkata, Ấn Độ, ngày 28-5. Ảnh: Reuters.
Tham gia tranh cử năm nay trên thực tế có hơn 750 chính đảng, trong đó có 6 đảng cấp quốc gia và hơn 70 đảng cấp bang. Mặc dù con số đảng phái là rất lớn, song cuộc bầu cử quốc gia tại Ấn Độ chủ yếu chứng kiến sự cạnh tranh giữa Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo và Liên minh Toàn diện phát triển quốc gia Ấn Độ (INDIA) do đảng Quốc đại dẫn đầu.
Ngày mai (4-6), kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố, thế giới sẽ biết liệu ông Narendra Modi có thực hiện được nỗ lực lịch sử cho nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước Ấn Độ lần thứ ba hay không. Hầu hết các cuộc thăm dò dư luận đều dự đoán BJP có thể giành được hơn 350 ghế trong tổng số 543 ghế - vượt xa con số 272 ghế cần thiết để thành lập chính phủ tiếp theo. Ông Narendra Modi vẫn được lòng dân kể từ khi được bầu làm Thủ tướng lần đầu tiên vào năm 2014 trên cương lĩnh ưu tiên Ấn Độ giáo và cam kết sẽ thành công ở những lĩnh vực mà các chính phủ trước đây đã thất bại.
Những người ủng hộ Thủ tướng Narendra Modi coi ông là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, tự lập, người đã cải thiện vị thế của Ấn Độ, đưa quốc gia trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Trong 10 năm ông Narendra Modi điều hành đất nước, Ấn Độ đã ghi nhận sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bước nhảy vọt về danh tiếng toàn cầu. Với dân số 1,4 tỷ người, nước này là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với 7,2% trong giai đoạn 2022-2023. Chính quyền của ông Narendra Modi đã rót hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư và hợp lý hóa chương trình phúc lợi rộng lớn cho khoảng 60% dân số.
Trong chiến dịch tranh cử của BJP, Thủ tướng Narendra Modi cam kết sẽ thúc đẩy Ấn Độ trở thành một trong 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới, tích cực chống đói nghèo, mở ra những con đường mới cho tăng trưởng và giải quyết nạn tham nhũng. Tuy nhiên, với tình trạng bất bình đẳng, thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn gia tăng, các vấn đề này đã trở thành chủ đề trung tâm của cuộc bầu cử.
Theo khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu xã hội phát triển thực hiện, thất nghiệp là mối quan tâm hàng đầu của 27% trong số 10.000 người được khảo sát. Hơn một nửa (62%) số người được khảo sát cho biết, tìm việc làm đã trở nên khó khăn hơn trong 5 năm qua. Dù dữ liệu chính thức của chính phủ cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp đang giảm, nhưng theo một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Ấn Độ cao hơn mức trung bình toàn cầu, hơn 40% người Ấn Độ vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và 90% công nhân làm việc phi chính thức.
Việc tự do hóa nền kinh tế Ấn Độ vào những năm 1990 đã đặt nền móng cho sự tăng trưởng vượt bậc với hàng triệu người thoát nghèo và sinh ra tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, các nhà kinh tế nhận định điều này cũng tạo điều kiện cho sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng. Một nghiên cứu cho thấy, 1% người giàu nhất ở Ấn Độ sở hữu hơn 40% tài sản của đất nước, trong khi 50% người dân chỉ sở hữu trên 6% tài sản của đất nước.
Để ngăn chặn sự chênh lệch này, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi và BJP tung ra hơn 400 tỷ USD trợ cấp phúc lợi và chuyển tiền mặt. Thông qua khoảng 300 chương trình phúc lợi, hàng trăm triệu người dân đã nhận được các vật dụng gia đình từ bình gas nấu ăn đến nhà vệ sinh miễn phí; hàng triệu ngôi nhà đã được xây dựng cho người nghèo... Tuy nhiên, một số người cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời và là dấu hiệu của tình trạng suy thoái kinh tế đang gia tăng. Ashoka Mody - nhà kinh tế tại Đại học Princeton (Mỹ) cho biết, để giảm bất bình đẳng, Ấn Độ cần đầu tư vào y tế và giáo dục, vốn đã trì trệ trong những năm gần đây.
Chính phủ mới sẽ được thành lập ở Ấn Độ từ ngày 16-6 tới trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng giữa các cường quốc. Vì thế, chính quyền Ấn Độ có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức cả trong và ngoài nước khi tìm cách duy trì nền kinh tế tăng trưởng ở mức khoảng 7%/năm.
Gửi phản hồi
In bài viết