Lãnh đạo hai bên chứng kiến các thỏa thuận hợp tác của doanh nghiệp. (Ảnh: HỮU HƯNG)
Đây là ý kiến của đông đảo đại biểu, khách mời đại diện cho doanh nghiệp, đại lý phân phối, tiêu thụ và người tiêu dùng Trung Quốc tại Lễ hội trái cây và giới thiệu sầu riêng Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp Chính quyền nhân dân thành phố Thiên Tân, Trung Quốc tổ chức chiều 13/1.
Sự kiện thu hút sự tham gia của hàng trăm đại biểu là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc; đại diện Chính quyền và các sở, ngành chức năng thành phố Thiên Tân; các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất nhập khẩu; các cơ quan báo chí của hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Hơn 20 gian hàng trưng bày các loại trái cây như sầu riêng, xoài, mít, măng cụt, dưa hấu, dừa, chuối, nhãn lồng của Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân thành phố Thiên Tân.
Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nhấn mạnh ý nghĩa của Lễ hội trái cây và giới thiệu sầu riêng Việt Nam như là một trong những hoạt động cụ thể nhằm triển khai hiệu quả nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về việc tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại song phương, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc không ngừng phát triển.
Đông đảo người dân thành phố Thiên Tân tham gia Lễ hội trái cây và giới thiệu sầu riêng Việt Nam. (Ảnh: HỮU HƯNG)
Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết, những năm gần đây, trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, dịch Covid-19 tác động tiêu cực, nhiều chiều tới tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu, song với những biện pháp linh hoạt, kịp thời cùng sự nỗ lực không ngừng của cơ quan quản lý hai bên, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục gặt hái những thành quả tốt đẹp.
Riêng trong năm 2022, hai nước đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với 4 loại nông sản có giá trị kinh tế cao, sản lượng lớn của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc như chuối tươi, sầu riêng, tổ yến, khoai lang... đưa tổng số các sản phẩm được nhập khẩu theo đường chính ngạch vào Trung Quốc lên 13 loại.
Đánh giá cao thành phố Thiên Tân với vai trò là cửa ngõ của khu vực đông bắc Trung Quốc có lợi thế cảng biển lớn cùng hệ thống giao thông kết nối thuận tiện; cũng là khu vực có nhu cầu lớn về nông thủy sản và hoa quả nhiệt đới - một thế mạnh của Việt Nam, Đại sứ Phạm Sao Mai nhấn mạnh đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để hai bên phát huy tiềm năng và mở rộng hơn nữa không gian hợp tác; đồng thời bày tỏ hy vọng, sự kiện hôm nay sẽ là khởi đầu tốt đẹp giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam tiếp cận gần hơn với thị trường đông bắc Trung Quốc nói chung cũng như thành phố Thiên Tân nói riêng, để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn thị hiếu khách hàng Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản giữa hai bên, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Khẳng định trái cây Việt Nam rất được người dân Trung Quốc ưa chuộng, ông Dương Binh, Phó Thị trưởng Chính quyền nhân dân thành phố Thiên Tân cho biết, trong bối cảnh mở cửa đối ngoại và mức sống của người dân Trung Quốc ngày càng nâng cao, quy mô nhập khẩu trái cây tăng nhanh (tăng gấp đôi trong vòng 10 năm 2012-2021). Lượng trái cây nhập khẩu từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, chiếm tới 76% tổng giá trị hoa quả nhập khẩu của toàn thành phố Thiên Tân, cho thấy địa phương này có nhu cầu thị trường rất lớn.
Phó Thị trưởng Dương Binh cho biết, sẽ thúc đẩy việc nhập khẩu nhiều hơn trái cây Việt Nam, nỗ lực xây dựng Thiên Tân trở thành cơ sở nhập khẩu trái cây ASEAN lớn nhất miền bắc Trung Quốc, bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp các nước, trong đó có Việt Nam mở rộng tại thị trường Trung Quốc và mở ra cục diện hợp tác mới về thương mại.
Tại sự kiện, với sự chứng kiến của Đại sứ Phạm Sao Mai và Phó Thị trưởng thành phố Thiên Tân Dương Binh, các doanh nghiệp hai bên đã ký kết các thỏa thuận hợp tác liên quan xuất nhập khẩu và tiêu thụ trái cây Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Các vị đại biểu và khách mời đã tham quan Trung tâm logistic nông sản quốc tế HiGreen Thiên Tân.
Sầu riêng Việt Nam được trưng bày tại lễ hội. (Ảnh: HỮU HƯNG)
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 162,2 tỷ USD, tăng 8%; theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại hai bên đạt 213,9 tỷ USD, tăng 2,6%.
Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc. Đáng chú ý, tình hình xuất nhập khẩu trái cây có nhiều điểm sáng quan trọng, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng trái cây và hạt từ Việt Nam vào Trung Quốc đạt 1,39 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thiên Tân đạt 2,89 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Thiên Tân 0,95 tỷ USD, tăng 8% so cùng kỳ năm 2021.
Gửi phản hồi
In bài viết