Trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2021

Chiều 11/12, trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ công bố và trao Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2021". Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao giải vàng cho 4 nền tảng số xuất sắc nhất.

Bốn giải vàng năm nay thuộc về: Nền tảng thương mại điện tử Vỏ Sò của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Giải thưởng Nền tảng số xuất sắc); Bộ thiết bị Mesh Wifi 5/6 Access Point và Hệ thống quản lý ONE Mesh của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc); Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc của Công ty TNHH Cốc Cốc (Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc); Azota - Nền tảng tạo đề thi, bài tập online của Công ty TNHH Công nghệ Giáo dục AZOTA (Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số).

Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” là giải thưởng uy tín mang tầm quốc gia trong lĩnh vực công nghệ số, được triển khai theo Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/1/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao giải vàng cho các sản phẩm công nghệ số xuất sắc nhất. Ảnh" TRẦN HẢI

Đây là năm thứ hai Giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam và có giá trị thực tế lớn được ghi nhận trong phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số; hỗ trợ quảng bá cho các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tới đông đảo doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Các Ủy viên Trung ương Đảng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường và Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trao giải bạc cho các tác giả. Ảnh: TRẦN HẢI

Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2021 bao gồm 5 hạng mục: Giải thưởng Nền tảng số xuất sắc, Giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc, Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc, Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số và Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng.

Đối tượng tham gia là các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam, có các sản phẩm công nghệ số được thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và được đưa vào ứng dụng thực tế để giải các bài toán Việt Nam. Đối với Hạng mục Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng, chỉ áp dụng đối với các tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Trong thời gian từ ngày ngày 20/6 đến hết ngày 20/9, Ban Tổ chức giải thưởng đã nhận được 250 hồ sơ đăng ký trực tuyến dự thi ở tất cả các hạng mục giải thưởng trên trang thông tin về Giải thưởng giaithuong.makeinvietnam.mic.gov.vn.

Hội đồng Giám khảo Giải thưởng là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ số, các nhà khoa học, đại diện các quỹ đầu tư và các nhà báo ICT có uy tín, có nhiều kinh nghiệm, do ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông làm Chủ tịch Hội đồng.

Các Tiểu ban chuyên môn của Hội đồng Giám khảo được thành lập tương ứng với 5 hạng mục giải thưởng. Hội đồng Giám khảo cùng các tiểu ban, các giám khảo và Cơ quan thường trực đã làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, khách quan, công tâm, tuân thủ theo quy chế.

Các sản phẩm được tôn vinh cần phải thỏa mãn 2 nhóm tiêu chí chính, đó là thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và có giá trị thực tế. Trong nhóm tiêu chí “Giá trị thực tế”, cơ cấu điểm liên quan đến doanh thu, số lượng người dùng chiếm khoảng 70% số điểm.

Các sản phẩm tham gia Giải thưởng năm nay khá đa dạng, phục vụ cho nhiều lĩnh vực: chuyển đổi số, tài chính, nông nghiệp thông minh, giao thông thông mimh… Nhiều sản phẩm đã giải quyết các bài toán cộng đồng xã hội, đặc biệt là y tế, giáo dục, phòng, chống đại dịch. Các công nghệ mới, công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 như AI, BigData, IoT… đã được ứng dụng trong nhiều sản phẩm tham dự cuộc thi. Nhiều sản phẩm đã có thời gian được khẳng định trên thị trường, ngày càng hoàn thiện và có giá trị thực tiễn cao được ghi nhận, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phù hợp với tinh thần của quy chế Giải thưởng.

48 sản phẩm lọt vào Top 10, đặc biệt là các sản phẩm đạt giải là những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.

Các sản phẩm Make in Vietnam đạt giải chính là hạt nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, chắp cánh cho khát vọng xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia số hùng cường, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục