Bộ trưởng Lao động-Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Duy Linh
Chiều 30/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ trưởng Lao động-Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trình bày 4 vấn đề còn tồn đọng, đồng thời kiến nghị thí điểm mô hình tự chủ vốn cho địa phương trong các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại sao 3 chương trình còn chậm trễ?
Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả mà 3 Chương mục tiêu quốc gia đã đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn nhìn nhận 4 vấn đề còn tồn đọng.
Thứ nhất, cả 3 chương trình “đã và đang phải ban hành quá nhiều văn bản”. Theo đó, một chương trình phải có trung bình 60-70 văn bản khác nhau. Tình trạng này khiến cho các cơ quan chuyên trách rất vất vả.
Thứ hai, việc phân cấp, phân quyền còn chưa rõ. “Dưới thì chờ trên, trên thì bảo dưới cứ làm đi nhưng dưới thì lại sợ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói. Đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cấp dưới đề nghị “hướng dẫn của hướng dẫn” khi Bộ ban hành thông tư.
Thứ ba, sự phân bổ của chương trình, dự án đang quá dàn trải, nhỏ lẻ và manh mún. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lấy thí dụ, riêng Chương trình Giảm nghèo bền vững đã có trên 1000 dự án lớn nhỏ khác nhau. Trong khi đó, trung ương lại giao vốn chi tiết đến từng dự án.
Việc này không chỉ khiến việc triển khai chậm, khó khăn mà ngay cả khi phát hiện ra những điều không phù hợp trong quá trình chạy dự án thì địa phương cũng không được tự mình điều chỉnh mà phải báo cáo với cấp trên có thẩm quyền.
Thứ tư, Bộ trưởng cho rằng các chương trình đều đề ra mục tiêu cao nhưng vốn lại ít, việc yêu cầu địa phương bỏ vốn đối ứng cũng rất khó khăn. Quá trình giao vốn về địa phương cũng chậm và nhỏ giọt.
Để khắc phục các vấn đề còn tồn đọng, thúc đẩy tốc độ triển khai 3 Chương trình Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất thí điểm trao quyền trọn gói cho các địa phương được quyết định, chủ động điều chỉnh, cơ cấu, nguồn vốn của chương trình và giữa các chương trình với nhau.
“Chỉ có như vậy mới tiến hành nhanh được” - Bộ trưởng nhấn mạnh và đề xuất mỗi tỉnh lấy hai huyện làm thí điểm. Theo đó, huyện sẽ có toàn quyền quyết định nguồn vốn cả 3 chương trình; tỉnh chỉ làm nhiệm vụ điều phối, kiểm tra, giám sát; Trung ương kiểm tra mục tiêu, thanh tra, kiểm tra và tổng kết đánh giá chương trình.
“Không ai sinh ra lại muốn mình nghèo và không ai lại không muốn thoát nghèo”
Giải đáp nhiều ý kiến, tranh luận của đại biểu Quốc hội tại Nghị trường, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định chính sách “cho không" và tạo sự ỷ lại cho người nghèo đã được dẹp bỏ từ lâu.
“Tôi cho rằng không ai sinh ra lại muốn mình nghèo và không ai lại không muốn thoát nghèo” - Bộ trưởng nói. Với nhiều trường hợp, việc ở lại trong danh sách hộ nghèo chỉ là bất đắc dĩ. Vì ít nhất, hộ nghèo cũng được hưởng chính sách. Bộ trưởng cho biết Quốc hội đã biểu quyết và thông qua việc chuyển hoàn toàn chính sách “cho không” sang hỗ trợ có điều kiện trong sản xuất, hỗ trợ nhà ở, tạo sinh kế và đào tạo nghề,…
Hiện tại, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội đã kết hợp với Bộ Tài Chính để tham mưu cho Chính phủ, đưa ra các tiêu chí tách hộ nghèo không có khả năng lao động, không có khả năng thoát nghèo. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: “Đây là một quyết định cần cân nhắc theo Chỉ thị 05 của Ban Bí thư, sao cho những người tách ra có cuộc sống tốt hơn, hoặc chí ít cũng không thấp hơn hộ nghèo”.
Đề cập tới việc hỗ trợ nhà ở cho người nghèo theo Quyết định 90 và Nghị quyết 24 của Quốc hội, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và xã hội thông tin, trong nhiệm kỳ này cả nước phấn đấu xoá 100 nghìn căn hộ dột nát ở 74 huyện nghèo với kinh phí là 4.000 tỷ. Vốn đối ứng ở mỗi địa phương được mong đợi sẽ chiếm từ 10 - 30% số vốn. Đồng thời, bản thân hộ nghèo cũng phải chủ động phối hợp với các tổ chức, mạnh thường quân để làm sao mỗi căn hộ này khi xây mới thì 70 triệu, sửa chữa thì 30 triệu.
Các chương trình mục tiêu quốc gia có nguy cơ bị cắt 13 nghìn tỷ đồng
Phát biểu trước Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang bày tỏ đồng tình với báo cáo của Đoàn giám sát, đánh giá cao những ý kiến trách nhiệm, giàu tinh thần xây dựng của các đại biểu Quốc hội nhằm góp phần giúp các chương trình này “về đích” đúng hạn, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân cả nước.
Về việc chuyển vốn, khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã dựa trên nguyên tắc cố gắng phấn đấu để vốn năm 2022 giải ngân hết trong năm 2023.
Tuy nhiên, điều đó được tiên liệu với điều kiện tại phiên họp lần này, chúng ta có thể giải quyết cơ chế đặc thù như nhiều đại biểu đề cập. Hiện chúng ta còn tháng 11, tháng 12 và tháng 1 năm sau để giải ngân vốn của năm 2022.
Phó Thủ tướng mong muốn Quốc hội coi đây là trường hợp đặc biệt để cho phép chuyển nguồn năm 2022 đến 31/12/2024 để tránh bị cắt khoảng 13.000 tỷ đồng mà chủ yếu là vốn sự nghiệp, trong khi nguồn vốn cho các chương trình rất hạn hẹp, mục tiêu đặt ra rất lớn lao.
"Nếu cắt nguồn vốn này chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm, rất băn khoăn, lo lắng. Trong khi việc bổ sung vốn của giai đoạn sau này là không thể", Phó Thủ tướng nêu và mong muốn Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội cho phép có cơ chế đặc biệt.
Về điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu, đối tượng, Phó Thủ tướng cho biết, hiện đang có nhiều vấn đề ở nội dung này, trong tháng 11, Chính phủ sẽ giải quyết cơ bản hơn một nửa số nội dung đã nêu. Các nội dung còn lại sẽ được giải quyết khi có cơ chế đặc thù phù hợp.
Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng cho biết phải rõ khái niệm thu nhập thấp, đơn vị thụ hưởng nguồn vốn trong chính sách đào tạo nghề...
Về vấn đề sợ bị mất chính sách khi thoát nghèo, Phó Thủ tướng cho biết trong thực tế ghi nhận là có. Việc này sẽ điều chỉnh chính sách để sau khi thụ hưởng chương trình mọi người có động lực để vươn lên.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng mong muốn chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội vận động bà con, những người được hưởng các dự án, chương trình này phải có tâm thế mới hơn, tích cực hơn để vượt qua sự ỷ lại thì mới có kết quả tốt đẹp.
Gửi phản hồi
In bài viết