Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Theo thống kê mới nhất, khách nội địa tháng 7-2023 đạt 12,5 triệu lượt, trong đó có 8,3 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng số khách nội địa trong 7 tháng đầu năm đạt 76,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 7 tháng đầu năm ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 7 tháng năm 2023 với gần 1,9 triệu lượt (chiếm gần 1/3 lượng khách). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 738 nghìn lượt; Mỹ đứng thứ 3 với 445 nghìn lượt.
Trong tốp 10 thị trường hàng đầu, Đông Bắc Á có 4 thị trường: Hàn Quốc (1.888 nghìn lượt), Trung Quốc (738 nghìn lượt), Đài Loan (Trung Quốc - 415 nghìn lượt), Nhật Bản (284 nghìn lượt). Thị trường Đông Nam Á có 3 thị trường: Thái Lan (290 nghìn lượt); Malaysia (262 nghìn lượt); Campuchia (225 nghìn lượt). Australia xếp ở vị trí thứ 9 (221 nghìn lượt), Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 10 (213 nghìn lượt).
Ở châu Âu, Anh (147,5 nghìn lượt), Pháp (120,8 nghìn lượt) và Đức (111,8 nghìn lượt) là các thị trường gửi khách lớn nhất. Thị trường Nga đạt 69,9 nghìn lượt trong 7 tháng đầu năm.
Về động lực tăng trưởng trong tháng 7-2023, châu Âu có mức tăng trưởng tốt nhất trong các châu lục, tăng 27% so với tháng 6-2023. Trong đó có sự đóng góp của các thị trường chính như Anh, Pháp, Đức, Na Uy...
Trong tháng 7, nhiều các thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam đều tăng so với tháng trước: Hàn Quốc (tăng 6%), Trung Quốc (tăng 14%), Mỹ (tăng 7%), Đài Loan (Trung Quốc - tăng 31,3%), Nhật Bản (tăng 15%), Australia (tăng 34,3%). Một số thị trường gần trong khu vực Đông Nam Á giảm có: Thái Lan (giảm 19,1%), Malaysia (giảm 24,5%), Campuchia (giảm 9,8%).
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhận định, với việc đạt 83% kế hoạch cả năm về đón khách quốc tế chỉ sau 7 tháng đầu năm, nhiều khả năng ngành du lịch sẽ sớm hoàn thành mục tiêu và tiếp tục tăng trưởng khi bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm.
Gửi phản hồi
In bài viết