Trích đoạn trong vở kịch “Đêm trắng” của Nhà hát Kịch Việt Nam tạo ấn tượng và xúc động cho khán giả.
Kho tàng nghệ thuật tinh túy
Quy tụ hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên của 33 đơn vị nghệ thuật trên cả nước, cống hiến hơn 100 trích đoạn nghệ thuật sân khấu đặc sắc thuộc các loại hình nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch, kịch nói, xiếc, Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc - 2023, do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chủ trì, diễn ra 12 ngày qua (từ ngày 20-5 đến 1-6) tại Hà Nam, đã cho thấy một kho tàng nghệ thuật dồi dào, quý giá cần được khai thác, phát triển. Có những trích đoạn cổ, kinh điển Việt Nam và thế giới nhưng được thổi hồn mới mẻ; có cả những trích đoạn về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và đời sống hôm nay để khán giả dõi theo.
“Anh cả đỏ” làng kịch nghệ - Nhà hát Kịch Việt Nam tham gia 2 trích đoạn từ vở “Đêm trắng” đã gắn bó với nhiều thế hệ nghệ sĩ tên tuổi. Bản diễn lần này do Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc dàn dựng, có nét mới, hiện đại hơn nhưng vẫn mang lại cảm xúc đẹp về hình tượng vĩ đại, cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Dù chỉ tham gia biểu diễn chào mừng liên hoan, nhưng trích đoạn từ vở kịch “Cát bụi” - tác phẩm làm nên thương hiệu của Nhà hát Kịch Hà Nội, đã từng được đưa đi biểu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới, đã thêm một lần nữa tạo ấn tượng. Chỉ chưa đầy 20 phút, người xem đã thấy tài năng diễn xuất của Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu “U50” mộc mạc pha nét hóm hỉnh; Nghệ sĩ nhân dân Thu Hà “U60” xuất sắc hóa thân thành cô gái cá tính tuổi đôi mươi…
Song, tạo hứng khởi và hy vọng nhiều cho sân khấu là những trích đoạn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch. Nhà hát Chèo Hà Nội với trích đoạn “Châu Long dệt gấm” trong vở chèo cổ “Lưu Bình - Dương Lễ”, trích đoạn “Đoàn viên” trong vở “Trương Viên”… đều thể hiện sự đầu tư nghiêm túc và sự vững nghề của lớp nghệ sĩ trẻ. Trong khi đó, các nhà hát nghệ thuật khác cũng “tung” ra những trích đoạn khiến khán giả không rời mắt, như “Na Tra báo hiếu” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế), “Sóng hận Lục Đầu Giang” (Nhà hát Tuồng Việt Nam), “Lỗ Lâm đề cờ” (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), “Dòng sông đỏ” (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang)…
Một trích đoạn trong vở “Cát bụi” của Nhà hát Kịch Hà Nội.
Bên cạnh đó, trích đoạn “Cúc ơi” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng tạo dấu ấn, cho thấy một hướng khác của nghệ thuật xiếc. Không chỉ chinh phục khán giả bằng kỹ thuật tuyệt vời với những màn nhào lộn, đu dây, thăng bằng, tung hứng…, các nghệ sĩ còn thể hiện khả năng diễn xuất, biểu cảm, đem đến câu chuyện, thông điệp ý nghĩa…
Mở hướng khai thác hiệu quả
Theo nhận định của Chủ tịch Hội đồng Giám khảo liên hoan Nguyễn Đăng Chương, phần lớn các trích đoạn đều có kết cấu hợp lý đủ để người xem hiểu nội dung được chuyển tải trong thời gian ngắn. Việc có đến 85/106 trích đoạn nghệ thuật truyền thống tham gia liên hoan cho thấy, dù còn nhiều khó khăn, nhưng các nghệ sĩ kịch hát dân tộc vẫn thắp sáng khát vọng sáng tạo, giữ nghề, truyền nghề. “Vốn” đã có, nếu biết “gạn đục, khơi trong”, lựa chọn, sử dụng hợp lý các trích đoạn hay trong hoạt động văn hóa, du lịch, giải trí, chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng tốt.
Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam nhận định, mỗi trích đoạn chỉ biểu diễn trong 20-30 phút, nên đó phải là phần hội tụ được nét đặc trưng, tinh túy nhất của một loại hình nghệ thuật sân khấu, đồng thời yêu cầu nghệ sĩ phải “bung” hết tài năng mới tạo được ấn tượng với khán giả. Nghệ sĩ nhân dân Tự Long, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cho rằng, sáng tạo trong trích đoạn vừa là cơ hội, vừa là thách thức với người làm nghề. Ở đó, nghệ sĩ biểu diễn được rèn nghề một cách nghiêm túc, bài bản và luôn phải đổi mới, sáng tạo để hấp dẫn khán giả. Đây chính là hướng phát triển nguồn nhân lực đồng đều, cũng như khơi dậy tình yêu nghề cho nghệ thuật sân khấu.
Tham gia trích đoạn “Oan khuất” và giành Huy chương vàng liên hoan, nghệ sĩ Đoàn Quang Dương (Nhà hát Chèo Hà Nội) chia sẻ, với những khán giả mới, đặc biệt là khán giả trẻ, thay vì xem một vở diễn đầy đủ dài 2-3 giờ, đưa đến họ trích đoạn hội tụ những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống sẽ dễ dàng thu hút, hấp dẫn hơn. Từ đó, họ sẽ dần yêu mến và tìm hiểu, thưởng thức những vở diễn đầy đủ.
Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, Hội sẽ lập đề án để tổ chức liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc định kỳ 3 năm/lần, nhằm thúc đẩy những sáng tạo mới cũng như liên tục có lớp nghệ sĩ kế thừa, phát huy nghệ thuật sân khấu. Về việc khai thác các trích đoạn, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, có nhiều trích đoạn nghệ thuật sân khấu hay, đặc sắc còn mở hướng phát triển sản phẩm văn hóa nghệ thuật phù hợp dành cho khách du lịch; giới thiệu được nét tinh túy, đặc trưng của nghệ thuật dân tộc với du khách, đặc biệt là người nước ngoài. Từ đây, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sẽ tích cực kết nối các đơn vị nghệ thuật và du lịch để cùng xây dựng, khai thác các trích đoạn sân khấu hiệu quả, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.
Gửi phản hồi
In bài viết