Triển khai đợt cao điểm hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025

Chiều 12/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo (Ảnh: TRẦN HẢI).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo (Ảnh: TRẦN HẢI).

Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở Ủy ban nhân dân 63 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và khoảng 8.600 điểm cầu các huyện, xã trên cả nước.

Về kết quả triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, về xác định thời gian hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, một số địa phương đặt mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm hơn yêu cầu: tỉnh Bắc Ninh là địa phương đặt mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm nhất (hoàn thành chậm nhất vào ngày 3/2/2025); 7 địa phương xác định hoàn thành trong quý II/2025 (Lào Cai, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kon Tum, Tây Ninh, Long An); 12 địa phương xác định hoàn thành trong quý III/2025 (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau).

Về rà soát, phê duyệt nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, đến nay, có 13 địa phương đã ban hành quyết định phê duyệt nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn (Hà Giang, Lào Cai, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Bình, Khánh Hòa, Đắk Nông, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Tây Ninh).

Triển khai đợt cao điểm hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025 ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Phiên họp (Ảnh: TRẦN HẢI).

Về kết quả hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, theo kết quả cập nhật của 42 địa phương trên phần mềm báo cáo, tính đến ngày 12/1/2025, đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 88.488 căn nhà (trong đó: 48.989 căn nhà đã khánh thành và khởi công mới 35.8992 căn nhà. Cụ thể: hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng là 5.196 căn nhà, trong đó: Số nhà đã khánh thành: 3.129 căn; số nhà khởi công: 2.067 căn. Hỗ trợ nhà ở thuộc 2 Chương trình mục tiêu quốc gia là 50.909 căn nhà, trong đó: số nhà đã khánh thành: 30.283 căn; số nhà khởi công: 20.626 căn. Hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát là28.783 căn nhà, trong đó: số nhà đã khánh thành: 15.577 căn; số nhà khởi công: 13.206 căn.

Triển khai đợt cao điểm hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025 ảnh 2

Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo tham dự Phiên họp (Ảnh: TRẦN HẢI).

Về kết quả huy động nguồn lực hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, thông qua Chương trình phát động, đến nay có 12 địa phương nhận được hỗ trợ từ 12 đơn vị với tổng kinh phí nhận được là 1.370 tỷ đồng (đạt 40% theo phương án phân bổ).

Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tính đến ngày 2/1/2025, Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã tiếp nhận trên 72,452 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát (trong đó, đã bao gồm 62 tỷ đồng các đơn vị đăng ký ủng hộ tại Lễ phát động ngày 13/4/2024).

Ngày 22/11/2024, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã phân bổ 13,260 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 240 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau (202 xây mới và 38 sửa chữa). Theo báo cáo của 2 địa phương (Hà Giang và Bắc Giang) đã huy động được 89.529 ngày công lao động.

Triển khai đợt cao điểm hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025 ảnh 3

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: TRẦN HẢI).

Kết quả nổi bật trong xóa nhà tạm, nhà dột nát: các bộ, ngành, địa phương đã chủ động cơ bản hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo giao tại Thông báo số 523/TB-VPCP và Công điện số 117/CĐ-TTg. Bộ Quốc phòng đi đầu trong huy động nguồn lực hỗ trợ kinh phí xây dựng 9.200 căn nhà, với số tiền là 460 tỷ đồng cho 5 địa phương (Quảng Trị, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lào Cai và Nghệ An); hoàn thành chuyển kinh phí (400 tỷ đồng) cho địa phương; đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng 13.120 căn “Nhà Đồng đội” và “Nhà Đại đoàn kết”.

Bộ Công an phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán, hỗ trợ hoàn thành khoảng 1.000 căn nhà cho người nghèo tại 14 tỉnh đón tết. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tích cực vận động các tổ chức tín dụng hỗ trợ bổ sung trên 83,95 tỷ đồng cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương nâng tổng mức hỗ trợ từ khối ngành ngân hàng là 1.083,95 tỷ đồng.

Triển khai đợt cao điểm hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025 ảnh 4

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu ý kiến tại Phiên họp (Ảnh: TRẦN HẢI).

Một số địa phương đặt mục tiêu hoàn thành Chương trình sớm trước ngày 31/12/2025; một số địa phương có có cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện (như Hà Giang đã chỉ đạo bố trí mặt bằng sạch, bố trí nơi ở tạm cho hộ dân trước khi xây dựng, hình thành Tổ thanh niên chuyên chở vật liệu hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát; Tuyên Quang đã ứng trước kinh phí để các hộ xây dựng nhà ở…).

Phát biểu ý kiến khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025, do đó chúng ta phải rà soát lại mục tiêu Kế hoạch 5 năm và Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng; năm 2025 là năm có các sự kiện kỷ niệm các ngày lễ lớn, trọng đại của đất nước, cùng với đó, phải tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp cả về đường lối, nhân sự và bảo đảm an toàn.

Chúng ta đặt mục tiêu năm nay kỷ niệm 80 thành lập nước, do đó không thể để nhân dân phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát; điều này có ý nghĩa rất quan trọng, nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt; hiện thực hoá chủ trương, đường lối của Đảng, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta là không để ai bị bỏ lại phía sau, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, thể hiện truyền thống tốt đẹp “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, "lá lành đùm lá rách", “lá rách ít đùm lá rách nhiều”; thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương trong việc huy động các nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần “Ai có gì giúp nấy, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều, ai có công giúp công, ai có của giúp của”.

Triển khai đợt cao điểm hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025 ảnh 5

Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo tại Phiên họp (Ảnh: TRẦN HẢI).

Đây là tinh thần rất quan trọng, là phương châm rất phù hợp chúng ta, trên thực tế nhờ có phương châm này thì mới đạt kết quả tích cực thời gian qua; sự hỗ trợ của Nhà nước có hạn, do đó sự hỗ trợ của người dân, các thành phần trong xã hội, đặc biệt là tinh thần "tương thân, tương ái" thì mới có thể làm được nhanh trên diện rộng với số đối tượng nhiều; thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp uỷ, chính quyền các cấp, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Công đoàn, các Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh; nhất là lực lượng công an và quân đội vào cuộc, có ý nghĩa nhân văn, sâu sắc, thiết thực trong tổ chức các sự kiện trọng đại của đất nước năm 2025; mang lại lợi ích cho dân tộc, quốc gia, uy tín của đất nước, nghĩa tình của con người với con người.

Triển khai đợt cao điểm hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025 ảnh 6

Phiên họp được truyền trực tuyến tới Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và và khoảng 8.600 điểm cầu các huyện, xã trên cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, từ Phiên họp thứ nhất đến nay, chúng ta hoàn thành thành và bàn giao hơn 44 nghìn căn nhà, và đang xây dựng hơn 34,2 nghìn căn nhà; tổng số đến nay sau 2 tháng đã và đang làm khoảng 76 nghìn căn, như vậy mỗi tháng làm được 38 nghìn căn. Từ nay cuối năm còn 240 nghìn căn phải hoàn thành.

Trong khi thời gian triển khai còn khoảng 350 ngày, tính ra mỗi tháng phải làm được 24 nghìn căn, do vậy phải tập trung triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm thực hiện thành công chương trình của năm 2025. Đây là yêu cầu rất cao, không những phải bảo đảm kịp tiến độ mà còn phải bảo đảm chất lượng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam có chương trình đếm ngược hàng tuần để thông báo với toàn dân kết quả hoàn thành việc xoá nhà tạm, nhà dột nát trong một tuần vào sáng chủ nhật, do đó Ban Chỉ đạo các cấp phải báo cáo hàng tuần, tỉnh nào làm tốt, tỉnh nào làm chưa tốt, trên cơ sở đó đôn đốc, nhắc nhở, đặc biệt là rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu trao đổi thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là đánh giá thực trạng tình hình triển khai chương trình tại các bộ, cơ quan, địa phương; nơi nào làm tốt thì chia sẻ kinh nghiệm hay, bài học quý; nơi nào làm chưa tốt thì phân tích nguyên nhân; làm rõ những khó khăn, vướng mắc như xác định đối tượng hỗ trợ, đất đai, nguồn lực, sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024; thủ tục quy trình thực hiện...

Các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm đột phá mạnh mẽ bảo đảm hoàn thành chương trình trong năm 2025 trên tinh thần 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ kết quả”.

Sau khi nghe các địa phương, bộ, ngành tham luận, phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng đã được thể hiện rõ trong các Kết luận, Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2025 và góp phần tri ân đồng bào, đồng chí sau 80 năm giành độc lập; thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; quán triệt phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ”; đa dạng hóa nguồn lực thực hiện Chương trình theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm; tăng cường công tác thông tin truyền thông để huy động sự vào cuộc của toàn xã hội; không để xảy ra việc trục lợi, tiêu cực từ Chương trình; tăng cường kiểm tra, giám sát, thi đua khen thưởng, cảnh cáo, phê bình cá nhân, tổ chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì việc này; xây dựng phần mềm gửi xuống tất cả các địa phương để hết ngày cập nhật; có đồng hồ đếm ngược hằng tuần; các cơ quan thông tấn báo chí như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam hằng tuần điểm lại kết quả của Chương trình tuần qua; cập nhật, xác định rõ những khó khăn, vướng mắc của địa phương để chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương những vấn đề vượt thẩm quyền; kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng những cách làm hay, gương điển hình và xem xét kỷ luật những trường hợp chậm tiến độ, không tích cực trong thực hiện nhiệm vụ.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền cơ sở thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình, nhất là huy động nguồn lực và giải quyết khó khăn, vướng mắc; yêu cầu các địa phương chưa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và ban hành ngay trước ngày 15/1/2025. Thường xuyên theo dõi, cập nhật kết quả thực hiện theo ngày, tuần, tháng, quý và từ nay đến cuối năm của từng cấp chính quyền cơ sở; yêu cầu Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo địa phương cập nhật số liệu hằng ngày, tổng kết hằng tuần trên phần mềm Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã gửi các địa phương; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp nếu chậm không cập nhật báo cáo hằng ngày. Chủ động xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên địa bàn theo thẩm quyền và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền; trong đó lưu ý 5 vấn đề:

Một là, về việc một số địa phương báo cáo khó khăn về rà soát số liệu nhà ở, giao Trưởng Ban Chỉ đạo các địa phương chỉ đạo cấp huyện, cấp xã phối hợp chặt chẽ công an địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, tổng hợp thông tin chính xác về số lượng nhà ở cần hỗ trợ cho các nhóm đối tượng tại địa phương và phê duyệt danh sách hộ đủ điều kiện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, bảo đảm hoàn thành trong tháng 1/2025.

Hai là, đối với số nhà tạm, nhà dột nát phát sinh thêm, yêu cầu địa phương tự huy động nguồn lực để hỗ trợ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ba là, về khó khăn trong thực hiện vận chuyển vật liệu để làm nhà, yêu cầu địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 523/TB-VPCP và Công điện 117/CĐ-TTg; lưu ý phải chủ động, sáng tạo, linh hoạt, nhất là huy động các lực lượng trên địa bàn và có kế hoạch cụ thể, hướng dẫn cộng đồng tham gia hỗ trợ các gia đình có nhu cầu.

Bốn là, về khó khăn trong huy động nguồn lực để triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn: yêu cầu các địa phương đổi mới phương pháp, cách làm theo hướng đa dạng hóa nguồn lực (bao gồm nguồn lực được hỗ trợ từ Trung ương, địa phương, nguồn lực công sức huy động, giúp đỡ từ cộng đồng, nguồn lực đóng góp từ chính các hộ nghèo, hộ cận nghèo…), phát huy trách nhiệm của người đứng đầu.

Năm là, về khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, yêu cầu các địa phương thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 523/TB-VPCP ngày 16/11/2024 và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng khẩn trương ban hành hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát; hoàn thành trước ngày 20/1/2025 để các địa phương triển khai, bảo đảm chất lượng, tiến độ; chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra hỗ trợ nhà ở đối với người có công khó khăn về nhà ở; cung cấp số liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ nhà ở (xây mới, sửa chữa) năm 2025 từ Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, hoàn thành trong tháng 1/2025. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ nguồn vốn sự nghiệp năm 2025 của Dự án 5 để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, hoàn thành trước ngày 20/1/2025; khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về phương án sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/1/2025; tăng thu, giảm chi, tiết kiệm chi để có nguồn lực thúc đẩy nhanh chương trình.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đôn đốc các tổ chức tín dụng chuyển kinh phí hỗ trợ cho các địa phương và tiếp tục tích cực tham gia hỗ trợ. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chuyển kinh phí hỗ trợ các địa phương và tiếp tục tích cực tham gia hỗ trợ Chương trình. Các cơ quan thông tấn, báo chí chủ động xây dựng kế hoạch, phương án truyền thông, vận động để lan toả mạnh mẽ phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tạo đồng thuận xã hội để người dân, doanh nghiệp ủng hộ, chia sẻ, chung tay hỗ trợ Chương trình. Các bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận hỗ trợ các địa phương: khẩn trương chuyển kinh phí vào đầu mối và số tài khoản tiếp nhận của cơ quan Mặt trận Tổ quốc tỉnh mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã cung cấp để thực hiện. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn về việc thanh, quyết toán theo quy định đối với các đối tượng liên quan từ Quỹ “Vì người nghèo” tại thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ (Thông báo số 448/TB-VPCP ngày 2/10/2024).

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục