Nhân viên đeo khẩu trang khi vào dây chuyền lắp ráp của Volkswagen tại Wolfsburg, Đức, tháng 4/2020. (Ảnh: Reuters)
Trong khuôn khổ Hội nghị mùa thu do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% so với mức 6% đưa ra trước đó. Theo IMF, dù mức dự báo giảm chung chỉ là 0,1%, nhưng đối với một số nước cụ thể, mức giảm sẽ mạnh hơn. Tác động của dịch Covid-19 và sự bất bình đẳng trong phân phối và chia sẻ vắc-xin cho các nước nghèo đang ngày càng làm gia tăng sự chênh lệch về kinh tế.
Hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa khiến các nước đặc biệt lo ngại. Lý giải về tình trạng “nút thắt cổ chai” của chuỗi cung ứng, nhiều nước cho rằng, sự gián đoạn này xuất phát từ bối cảnh chưa từng có tiền lệ do đại dịch gây ra, cùng nhu cầu phục hồi mạnh mẽ do các nền kinh tế mở cửa trở lại. Trong đó, tình trạng thiếu hụt các dịch vụ thiết yếu như các cảng biển đóng cửa, thiếu xe chở hàng và nhân công để lại “lỗ hổng lớn” trong chuỗi cung ứng.
Sự mất cân bằng cung - cầu đã khiến giá năng lượng và hàng hóa “leo thang”, tạo áp lực lạm phát và đe dọa làm chệch đà phục hồi kinh tế. IMF dự báo lạm phát sẽ trở lại mức trước khi dịch vào năm 2022, song cảnh báo tình trạng đứt gãy nguồn cung kéo dài có thể làm thay đổi các dự báo về lạm phát. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh bên cạnh việc tìm cách giảm bớt tình trạng thiếu hàng hóa trên toàn cầu, vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng hiện nay cho thấy thế giới cần quan tâm thúc đẩy để các chuỗi giá trị toàn cầu hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn và có khả năng vượt qua những “cú sốc” tương tự trong tương lai.
Các gói chi ngân sách khổng lồ cho công cuộc chống dịch Covid-19 cũng khiến các nước “đau đầu” khi chứng kiến mức nợ công tăng vọt so với trước dịch. Theo số liệu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), nhiều nước đang phát triển, vốn dễ bị tổn thương về nợ, giờ lại phải chi ngân sách cao chưa từng có để chống dịch và ngăn nền kinh tế rơi vào suy thoái, khiến cho tình trạng càng thêm khó khăn. Nợ công ở các quốc gia thu nhập thấp tăng 12%, lên mức kỷ lục 860 tỷ USD trong năm 2020.
Giới phân tích kêu gọi các nước giàu đẩy mạnh viện trợ và chia sẻ vắc-xin giúp các nước nghèo chống dịch hiệu quả, qua đó mới mong thế giới nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế một cách đồng đều và bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết