Quang cảnh cuộc họp chiều tối nay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự án với quy mô chưa từng có
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát biểu kết thúc cuộc làm việc về Báo cáo dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Đây là dự án với quy mô chưa từng có ở nước ta, chưa có tiền lệ thực hiện, tác động nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội, đến tài chính, nợ công, do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và phương án thiết kế bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Yêu cầu quan trọng nữa là bổ sung thuyết minh các phương án so sánh để làm rõ cơ sở lựa chọn hướng tuyến theo đề xuất của Chính phủ; đánh giá thêm về diện tích trồng lúa, diện tích rừng phải chuyển đổi và các giải pháp để bảo đảm chỉ tiêu về đất trồng lúa, tỷ lệ che phủ rừng.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng về nguồn vốn thực hiện dự án, đặt trong điều kiện đất nước đang triển khai nhiều dự án hạ tầng cấp thiết, cấp bách trên lĩnh vực giao thông vận tải và năng lượng, từ đó có giải pháp để kiểm soát rủi ro.
Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất cần có những chính sách vượt trội để thực hiện dự án, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn để đưa dự án hoàn thành sớm hơn dự kiến.
Sau khi nghe các báo cáo, phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Nếu làm được tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam này với vốn đầu tư khái toán hơn 67 tỷ USD, đất nước sẽ có điều kiện phát triển. Theo tính toán, dự án không phải là làm ngay, mà hoàn thành trong giai đoạn 2025-2035, nếu rút ngắn sớm hơn thì càng tốt.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập kinh nghiệm ở nước ngoài có những dự án lớn gấp nhiều lần dự án này đã được triển khai thi công trong thời gian khoảng 3 năm.
Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Kỳ họp thứ 8; đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ, tờ trình, lưu ý làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ giai đoạn 1 của dự án, việc phải điều chỉnh đường cất hạ cánh số 3 từ giai đoạn 3 sang giai đoạn 1.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ bảo đảm chất lượng của dự án, bảo đảm nguồn vốn thực hiện như đề xuất, không để phát sinh dẫn đến phải thực hiện thủ tục điều chỉnh ảnh hưởng tiến độ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục có giải pháp để ổn định đời sống sinh kế việc làm cho người dân có đất bị thu hồi cũng như trong vùng ảnh hưởng của dự án; tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung khác trong Nghị quyết của Quốc hội về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải của dự án
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý: về hiệu quả kinh tế-xã hội, tài chính của dự án, có ý kiến đề nghị làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải của dự án, khi thực tế thời gian qua việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính phải điều chỉnh hợp đồng dự án.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và lý do đã được nêu tại Tờ trình số 685/TTr-CP của Chính phủ.
Về phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết: Có ý kiến đề nghị bổ sung, thuyết minh các phương án so sánh để làm rõ cơ sở lựa chọn hướng tuyến của dự án theo đề xuất của Chính phủ, đồng thời làm rõ hướng tuyến theo nguyên tắc “thẳng nhất có thể”, nhất là đoạn đi qua Nam Định, để bảo đảm hiệu quả cho dự án.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn phương án kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông khác; kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế.
Lưu ý về hiệu quả kinh tế-xã hội, tài chính của dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu có ý kiến đề nghị làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải của dự án, khi thực tế thời gian qua việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính phải điều chỉnh hợp đồng dự án.
Bộ trưởng Giao thông và Vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày tóm tắt tờ trình.
Dẫn nội dung Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước cho rằng, dự báo doanh thu và tăng trưởng doanh thu đang là cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của dự án và khả năng ngân sách Nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải.
Việc dự án đưa vào khai thác với lợi thế về thời gian, giá vé và các ưu thế khác mà phương thức vận tải này mang lại sẽ ảnh hưởng lớn hiệu quả của các chặng bay quãng ngắn, do đó sẽ ảnh hưởng việc đầu tư phát triển của các cảng hàng không trong tương lai; vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung làm rõ nội dung này.
Theo Tờ trình, tuyến đường sắt hiện hữu sẽ được tiếp tục cải tạo, nâng cấp để vận chuyển hàng hóa, khách du lịch chặng ngắn và được triển khai theo dự án riêng, tuy nhiên không rõ hiệu quả, thời điểm, thời gian nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc đánh giá tổng thể chung việc đầu tư hoàn thiện cả 2 hệ thống đường sắt để có cơ sở quyết định đầu tư phù hợp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương Đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam; xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trình bày Tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết: Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại Thành phố Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541km.
Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Bộ trưởng cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).
Dự kiến nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1% GDP năm 2027 (khởi công dự án). Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.
Về tiến độ thực hiện dự án, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu rõ sẽ hoàn thành công tác lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế năm 2025-2026; triển khai giải phóng mặt bằng, khởi công dự án năm 2027; phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
Gửi phản hồi
In bài viết