Trọng tâm chính sách phục hồi

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đưa ra dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới sẽ giảm tốc từ 5,9% của năm 2021 xuống 4,4% vào năm 2022, sau khi đã giảm 3,3% trong năm 2020. Biến thể Omicron, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chỉ số lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị gia tăng là những thách thức đối với sự phục hồi toàn cầu khi đại dịch Covid-19 bước sang năm thứ ba.

Cuộc họp giữa các lãnh đạo ngành tài chính nhóm G20 tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh REUTERS)

Đến năm 2024, theo ước tính của IMF, tổng sản lượng kinh tế mà thế giới thiệt hại do đại dịch Covid-19 có thể lên đến 13,8 nghìn tỷ USD. Trong bối cảnh mức nợ công tăng cao ở hầu hết các quốc gia, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva (C.Gioóc-giê-va) nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và sự linh động chính sách nhằm tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, đồng thời giữ lạm phát trong tầm kiểm soát và duy trì ổn định tài chính toàn cầu.

Biến thể Omicron và nguy cơ xuất hiện các biến thể mới tiếp tục là rủi ro hàng đầu đối với sự phục hồi bao trùm và lâu dài của thế giới. Do đó, IMF khuyến nghị, chiến lược toàn cầu cần thay đổi từ việc chỉ tập trung vào vắc-xin sang bảo đảm mỗi quốc gia được tiếp cận công bằng với "bộ công cụ Covid-19" toàn diện, gồm vắc-xin, bộ xét nghiệm và các phương pháp điều trị. Tốc độ biến đổi nhanh chóng của vi-rút SARS-CoV-2 đòi hỏi mức đầu tư liên tục cho các nghiên cứu y tế, giám sát dịch bệnh và hệ thống chăm sóc y tế bao phủ đối với mọi cộng đồng. IMF đánh giá, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ tài chính và y tế của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ là yếu tố quyết định, góp phần hạn chế rủi ro và tăng khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.

Người đứng đầu IMF cảnh báo, thế giới đối mặt nhiều bất ổn tài chính tiềm ẩn, do chỉ số lạm phát đã và đang gia tăng ở nhiều quốc gia, tạo áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ đối với các chính phủ. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc K.Georgieva cũng nhận định, điều quan trọng là sự điều chỉnh linh hoạt các chính sách để phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia. Ở các nền kinh tế lớn như Anh và Mỹ, những nơi mà thị trường lao động đã dần phục hồi và dự báo lạm phát đang tăng nhanh, các chính phủ có thể giảm bớt những gói ưu đãi tài chính. Chính sách thắt chặt ở các nền kinh tế phát triển có thể khiến môi trường tài chính toàn cầu hạn hẹp hơn, sẽ buộc các chính phủ ở một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác, vốn đang gặp khó khăn, phải lựa chọn đánh đổi giữa kiềm chế lạm phát và sự hỗ trợ cho tăng trưởng và việc làm.

Ở những quốc gia đang phát triển, sức mạnh tài chính đã bị cạn kiệt trong đại dịch khiến khả năng phục hồi yếu hơn và những "vết sẹo kinh tế" sâu hơn từ Covid-19 kéo dài. Trong năm 2020, IMF ghi nhận mức tăng nợ (cả công và tư) trong một năm lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, với nợ toàn cầu tăng lên mức 226 nghìn tỷ USD. IMF ước tính, khoảng 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang có nguy cơ vỡ nợ cao, gấp hai lần mức của năm 2015. Những nền kinh tế có nguy cơ cao sẽ cần huy động nhiều hơn nguồn thu nội địa, các khoản viện trợ không hoàn lại và nguồn vốn ưu đãi, cũng như cần nhiều sự trợ giúp hơn nữa để xử lý nợ. Tổng Giám đốc K.Georgieva hối thúc các chính phủ đánh giá lại Khuôn khổ chung G20 về xử lý nợ. Cần có các quy trình nhanh hơn và hiệu quả hơn, như việc thành lập các ủy ban giám sát nợ hay một thỏa thuận về giải quyết nợ cho các quốc gia đang mắc nợ cao.

Tại cuộc họp ở thủ đô Jakarta của Indonesia vừa qua, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương các nước thành viên G20 đã đưa ra cam kết sẽ thực thi những chính sách được thống nhất kỹ lưỡng nhằm hỗ trợ các nền kinh tế phục hồi và cùng nỗ lực thoát khỏi đại dịch Covid-19. Theo Tổng Giám đốc IMF, tinh thần hợp tác vì mục tiêu chung là quan trọng hơn bao giờ hết, khi các quốc gia còn phải đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay.

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục