Phát sinh sâu bệnh hại lúa
Qua điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trên nhiều cánh đồng đã xuất hiện các loại sâu bệnh hại như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, đạo ôn cổ bông... Trước tình hình đó, ngành chuyên môn, các địa phương đang tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tích cực, kịp thời ngăn chặn sâu bệnh lây lan ra diện rộng.
Huyện Sơn Dương gieo cấy 5.131,2 ha lúa xuân, vượt 7% kế hoạch, với các giống lúa như: BC 15, TBR225, KM18, J02, Nhị ưu 8, Đài Thơm 8, Bắc Hương, LTh31, nếp... Diện tích lúa phát triển tốt do từ đầu vụ sản xuất các địa phương đã chuẩn bị các phương án tích trữ nước, khơi thông và lắp đặt cứng hóa hệ thống kênh mương, nên đến thời điểm này hầu hết các diện tích lúa của huyện đều đủ nước tưới, chỉ có số ít diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi khô hạn. Thời tiết khô hạn từ đầu năm đến nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số sâu, bệnh hại lúa xuân, điển hình như đầu vụ cấy xuất hiện dế cắn lúa non và đến giai đoạn lúa bắt đầu đẻ nhánh xuất hiện chuột, bọ xít đen, rầy nâu, rầy xanh, sâu cuốn lá nhỏ, đạo ôn...
Người dân xã Hòa An (Chiêm Hóa) phun thuốc trừ bệnh đạo ôn trên lúa xuân.
Trời vừa hửng nắng sau những ngày mưa phùn, mẹ con chị Hoàng Thị Thanh, thôn Thai Bạ, xã Thiện Kế (Sơn Dương) đã ra đồng chuẩn bị thuốc phun trừ bệnh đạo ôn lá và khô vằn. Chị Thanh cho biết, lúa đang đứng cái - làm đòng nhưng sâu bệnh phát triển nhanh theo từng ngày, nếu không phun trừ ngay nguy cơ thất thu sẽ rất cao. Không chỉ có bệnh trên cây lúa, trên diện tích 3 sào ruộng của gia đình chị cũng đã xuất hiện chuột cắn lúa, gia đình đã thực hiện các biện pháp phòng trừ.
Chị Tạ Thanh Tâm, Dự báo viên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết, những ngày qua, nhân viên khuyến nông các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, kiểm tra diễn biến của sâu bệnh gây hại lúa. Cụ thể, rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại rải rác, nơi cao cục bộ 80 - 100 con/m2, chủ yếu rầy trưởng thành; sâu cuốn lá nhỏ gây hại rải rác, mật độ nơi cao 2 - 3 con/m2. Bọ xít đen gây hại rải rác, mật độ nơi cao 3 - 4 con/m2; bệnh đạo ôn lá gây hại cục bộ trên các giống nhiễm BC 15, TBR225, Đài Thơm 8, nếp..., tỷ lệ hại phổ biến 1 - 3%, nơi cao 5-10%, cục bộ 20 - 25% số lá. Chuột gây hại cục bộ một số ruộng, tỷ lệ hại nơi cao 1 - 2%, cục bộ nơi cao 6 - 8% số dảnh. Các địa phương có mật độ sâu bệnh nhiều như: thị trấn Sơn Dương, Cấp Tiến, Tú Thịnh, Hợp Hòa, Thiện Kế, Sơn Nam, Vân Sơn...
Theo ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng Phòng kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thời điểm này sâu bệnh hại phát sinh trên các trà lúa xuân. Theo đó trên trà lúa chính vụ xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, bọ xít đen, đạo ôn lá gây hại rải rác tại các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Yên Sơn, Na Hang, Chiêm Hóa với tổng diện tích nhiễm 14 ha. Trên trà muộn xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, bọ xít đen, đạo ôn lá, ốc bươu vàng, bọ trĩ gây hại rải rác ở các huyện Sơn Dương và Hàm Yên với diện tích nhiễm 12 ha.
Tích cực ngăn chặn
Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trong thời gian tới, bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 sẽ tiếp tục ra rộ, sâu non sẽ nở tập trung từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, gây hại rộng trên trà lúa xuân muộn đang ở giai đoạn phân hóa đòng đến ôm đòng. Nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời, một số diện tích bị hại nặng sẽ làm sơ, trắng bộ lá đòng ảnh hưởng đến năng suất lúa. Về rầy nâu, rầy lưng trắng, tới đây cũng sẽ gây hại rộng trên các trà lúa, đặc biệt là trà lúa xuân muộn đang ở giai đoạn ôm đòng - trỗ bông.
Người dân xã Minh Thanh (Sơn Dương) bón thúc phân kali cho diện tích lúa xuân muộn.
Rầy phát sinh mật độ phổ biến 80 - 100 con/m2, ngoài ra, rầy lưng trắng còn mang virus là trung gian truyền bệnh lùn sọc đen trên đồng ruộng. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, do nguồn bệnh đã có sẵn có trên lá, cổ lá đòng mà tới đây điều kiện thời tiết thuận lợi tiếp tục có mưa nhỏ, độ ẩm không khí cao thì bệnh đạo ôn cổ bông sẽ phát triển và gây hại rộng trên trà lúa trỗ trong tháng 4 và đầu tháng 5.
Trước tình hình trên, để chủ động đảm bảo an toàn cho sản xuất, giành vụ đông xuân thắng lợi, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã và đang triển khai đợt cao điểm phòng trừ sâu bệnh hại. Trong đó, đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, cử cán bộ thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, dịch hại để phòng chống kịp thời. Đối với bệnh đạo ôn phun trừ bằng thuốc đặc hiệu như: Bankan 600WP, Kennedy 75WP, Dojione 40EC, Filia 525SE, Lúa vàng 20WP... Bệnh khô vằn phát triển cần phòng trừ bằng các thuốc như Tilt super 300EC, Sagograin 300EC, Nevo 330EC, Anvil 5SC; không phun thuốc tràn lan. Bên cạnh việc phòng trừ sâu bệnh, để đảm bảo đủ nước cho lúa người dân cần bón thúc kali cho trà lúa xuân muộn ở giai đoạn lúa đứng cái để tạo điều kiện cho cây lúa khỏe, tăng cường khả năng chống chịu các đối tượng dịch hại.
Gửi phản hồi
In bài viết