Hình ảnh tàu Hằng Nga 5 trên bề mặt Mặt trăng năm 2020. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Đây là thông tin được ông Lin Xiqiang, Người phát ngôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chương trình Hàng không vũ trụ có người lái Trung Quốc cho biết tại cuộc họp báo về nhiệm vụ bay có người lái của tàu vũ trụ Thần Châu 16 tổ chức ngày 29/5.
Theo đó, Trung Quốc đã khởi động sứ mệnh mới của chương trình thám hiểm Mặt trăng có người lái, với dự kiến sẽ đưa người Trung Quốc đầu tiên lên Mặt trăng trước năm 2030.
Mục tiêu của chương trình là triển khai cuộc khảo sát khoa học và các thí nghiệm kỹ thuật liên quan Mặt trăng, đột phá và làm chủ các công nghệ cốt lõi như đưa người đi về giữa Trái đất và Mặt trăng, lưu trú ngắn hạn trên bề mặt Mặt trăng, thăm dò chung giữa con người và thiết bị; đồng thời, hoàn thành nhiều nhiệm vụ "đổ bộ, tuần tra, lấy mẫu, nghiên cứu và trở về", hình thành năng lực thám hiểm Mặt trăng có người lái độc lập.
Hiện nay, Văn phòng Chương trình Hàng không vũ trụ có người lái Trung Quốc đã triển khai toàn diện các công tác nghiên cứu, chế tạo và xây dựng phục vụ nhiệm vụ đưa người lên Mặt trăng, bao gồm phát triển tên lửa đẩy chở người thế hệ mới (Trường Chinh 10), tàu vũ trụ có người lái thế hệ mới, tàu đổ bộ Mặt trăng, trang phục cho phi hành gia và các sản phẩm khác; đồng thời xây dựng các công trình, trang thiết bị thử nghiệm phóng...
Cũng tại buổi họp báo, Văn phòng Chương trình Hàng không vũ trụ có người lái Trung Quốc công bố sáng ngày 30/5, nước này sẽ phóng tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 16, đưa 3 phi hành gia vào trạm vũ trụ Thiên Cung.
Gửi phản hồi
In bài viết