Trung Quốc-EU vẫn là động lực ổn định trong bối cảnh bất ổn toàn cầu

Trong nhiều thập kỷ qua, quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành trụ cột chính định hình sự phát triển trong hợp tác chính trị, an ninh, thương mại, đầu tư, công nghệ và môi trường.

Ngày 6-5-1975, Trung Quốc và Cộng đồng Kinh tế châu Âu - tiền thân của EU hiện nay, thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu cột mốc quan trọng trong ngoại giao quốc tế hiện đại.

Khi trật tự quốc tế phải đối mặt với những thách thức mới như căng thẳng địa chính trị, phân mảnh kinh tế và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, mối quan hệ Trung Quốc-EU nổi lên như một động lực ổn định quan trọng.

Sau nhiều thập kỷ, quan hệ đối tác Trung Quốc-EU đặc biệt rõ ràng trong kinh tế và thương mại, được phản ánh qua những thế mạnh bổ sung và lợi ích chung. Dữ liệu chính thức cho thấy, thương mại song phương đã tăng từ 2,4 tỷ USD lên 780 tỷ USD trong 50 năm qua.

5c95449c-f67c-4624-b4ef-6d15462350ad.jpeg

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU duy trì vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn cầu bất ổn. Ảnh: Tân Hoa xã

Trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô và hàng xa xỉ, châu Âu đóng góp chuyên môn thiết kế, sự nghiêm ngặt về quy định và đổi mới, trong khi Trung Quốc mang đến sản xuất chất lượng cao, lao động lành nghề, thị trường tiêu dùng rộng lớn và năng động. Cùng nhau, hai bên đã tạo ra việc làm, phục hồi các ngành công nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

Dịch vụ tàu chở hàng Trung Quốc-EU cũng đã trở thành yếu tố quan trọng đối với thương mại song phương. Hai bên đạt được cột mốc đáng chú ý trong mối quan hệ đối tác đang phát triển khi cuối năm 2024, chuyến tàu chở hàng Trung Quốc-EU thứ 100.000 cập bến nhà ga liên vận Duisburg (DIT) ở Duisburg (Đức).

Trung Quốc cũng dẫn đầu toàn cầu về công nghệ xanh, sản xuất tiên tiến và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Đây đều là những lĩnh vực có sự đồng thuận cao về mục tiêu trung hòa carbon và chuyển đổi số của EU.

Ngoài hợp tác kinh tế và thương mại, Trung Quốc và EU còn chia sẻ cam kết vững chắc đối với sự ổn định toàn cầu và chủ nghĩa đa phương. Điều này đã định hướng cho những nỗ lực hợp tác giữa hai bên trong các vấn đề quốc tế quan trọng.

Không có xung đột lợi ích cơ bản hoặc mâu thuẫn địa chính trị, Trung Quốc và EU ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, giải quyết các vấn đề quốc tế thông qua đối thoại và phản đối hành vi áp đặt đơn phương. Trong 50 năm qua, quan hệ Trung Quốc-EU không chỉ thúc đẩy sự phát triển chung, mà còn đóng góp đáng kể vào hòa bình và thịnh vượng toàn cầu.

Từ việc ủng hộ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) về chương trình hạt nhân của Iran, cho đến thúc đẩy Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF) và phản đối sự gián đoạn chuỗi cung ứng, Trung Quốc cùng EU đã liên tục củng cố cam kết chung đối với một thế giới đa phương, đa cực.

Là những nền kinh tế lớn trên thế giới, Trung Quốc cùng EU chia sẻ trách nhiệm chung trong việc duy trì toàn cầu hóa kinh tế và môi trường thương mại quốc tế công bằng, chống lại các hành vi áp đặt đơn phương, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo Nhân Dân Điện tử

Tin cùng chuyên mục