Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (bên trái) tại lễ ký kết Hiệp định RCEP ngày 15-11-2020.
Hiệp định RCEP được khởi động vào năm 2012 và ký kết vào tháng 11-2020 nhằm khuyến khích thương mại giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác ban đầu là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Tháng 11-2019, dù Ấn Độ tạm đứng ngoài hiệp định, RCEP vẫn là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới khi bao trùm thị trường khổng lồ với 15 quốc gia, chiếm tới 30% dân số thế giới, 32% tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu (khoảng 32.000 tỷ USD), lớn hơn cả khối thương mại Mỹ - Canada - Mexico cũng như Liên minh châu Âu (EU). Hiệp định được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả của các chuỗi cung ứng trong khu vực, khi loại bỏ 91% thuế hàng hóa và hình thành các quy tắc chung về đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử.
Với tầm cỡ đó, RCEP hứa hẹn sẽ đem lại nhiều ích lợi cho Trung Quốc, nhất là khi các thành viên hiệp định đều là đối tác quan trọng của Bắc Kinh. Sau khi RCEP có hiệu lực, Trung Quốc có 19 hiệp định thương mại tự do với 26 đối tác; thiết lập được quan hệ thương mại tự do với Nhật Bản. Nhờ vậy, tỷ lệ thương mại với các đối tác thương mại tự do trong toàn bộ nền thương mại của quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ tăng từ 27% lên 35%. RCEP cũng giúp Trung Quốc mở rộng không gian thị trường xuất khẩu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhập khẩu tiêu dùng trong nước, qua đó duy trì ổn định thương mại đối ngoại và đầu tư nước ngoài. Việc mở rộng thị trường sẽ giúp Bắc Kinh cân bằng hoạt động kinh tế trong và ngoài nước giữa lúc đang chịu nhiều sức ép từ những mâu thuẫn thương mại với Mỹ. Đầu tư vào các nước RCEP hiện chiếm khoảng 9% đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc.
RCEP cũng giúp giải quyết bài toán nhu cầu nội địa khổng lồ của Trung Quốc, đặc biệt là về hàng tiêu dùng, sản phẩm trung gian, tư liệu sản xuất và đặc biệt là bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu cho doanh nghiệp Trung Quốc. Tận dụng RCEP để ổn định sản xuất và đầu ra sẽ giúp Trung Quốc bảo đảm việc làm cho người dân, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế. Đây là cơ hội quý báu để Trung Quốc chuyển dịch đầu tư những ngành chế tạo có ưu thế cạnh tranh nổi trội sang các quốc gia khác trong khu vực. Việc thắt chặt quan hệ kinh tế với các đối tác trong khu vực cũng giúp Bắc Kinh tăng cường sức mạnh mềm trên trường quốc tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, các nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là Mỹ, châu Âu và Ấn Độ, nên sớm tăng cường mối quan hệ thương mại với các nước châu Á để không bị "chậm chân". Một khi RCEP đi vào thực thi, bản đồ xuất nhập khẩu thế giới sẽ thay đổi đáng kể, ảnh hưởng tới hầu hết các nền kinh tế, trong đó có Mỹ. Một trong những hướng đi khả thi được giới phân tích nêu ra chính là việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP).
Theo lộ trình, RCEP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn hoặc phê duyệt hiệp định (Trung Quốc là quốc gia thứ hai, sau Thái Lan, đã phê chuẩn). Khi đi vào thực thi, RCEP sẽ góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư toàn cầu. Điều này cũng cho thấy năng lực, vai trò của ASEAN trong việc dẫn dắt một hiệp định thương mại đa phương tầm cỡ, giữa bối cảnh thế giới và khu vực đang có nhiều biến động.
Gửi phản hồi
In bài viết