Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B Yao-4 đưa mô-đun thí nghiệm Mộng Thiên vào quỹ đạo.
(Ảnh: Văn phòng Công trình hàng không vũ trụ có người lái Trung Quốc)
Thông tin từ Văn phòng Công trình hàng không vũ trụ có người lái Trung Quốc cho biết, lúc 15 giờ 37 phút ngày 31/10 (giờ địa phương), tên lửa đẩy Trường Chinh 5B Yao-4 mang theo mô-đun thí nghiệm Mộng Thiên của trạm vũ trụ, đã được phóng từ bãi phóng hàng không vũ trụ Văn Xương, miền nam Trung Quốc.
Sau khoảng 8 phút, mô-đun thí nghiệm Mộng Thiên đã phân tách thành công với tên lửa đẩy và đi vào quỹ đạo đã xác định, đánh dấu nhiệm vụ phóng đã hoàn thành.
Mô-đun thí nghiệm Mộng Thiên là phần thứ ba trong cấu trúc trạm không gian Trung Quốc, cũng là mô-đun thí nghiệm khoa học thứ hai, được hợp thành bởi cabin làm việc, cabin tải trọng, cabin nén khí hàng và cabin tài nguyên, với tổng trọng lượng lúc cất cánh khoảng 23 tấn.
Mô-đun này có chức năng chính là triển khai các thí nghiệm khoa học và ứng dụng hàng không vũ trụ, tham gia quản lý tổ hợp trạm vũ trụ, cabin nén khí hàng có thể hỗ trợ cho hàng hóa ra vào mô-đun tự động, hỗ trợ cho các thí nghiệm khoa học bên trong và bên ngoài mô-đun.
Thời gian tới, mô-đun thí nghiệm Mộng Thiên sẽ kết nối với tổ hợp trạm vũ trụ theo quy trình đã định trước. Sau khi hoàn thành việc kiểm tra các chức năng liên quan, mô-đun thí nghiệm Mộng Thiên sẽ được thay đổi vị trí theo kế hoạch. Phi hành đoàn Thần Châu 14 đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón nhận và kết nối với mô-đun này.
Đây là nhiệm vụ bay thứ 25 kể từ khi Trung Quốc triển khai chương trình hàng không vũ trụ có người lái, cũng là nhiệm vụ bay thứ 446 của hệ thống tên lửa đẩy Trường Chinh.
Mô-đun thí nghiệm Mộng Thiên sẽ cùng với hai mô-đun đã có, tạo nên cấu trúc cơ bản hình chữ "T" gồm 3 mô-đun của trạm vũ trụ Trung Quốc. Theo kế hoạch, trạm vũ trụ sẽ đón phi hành đoàn của tàu Thần Châu 15, đánh dấu việc lần đầu tiên 6 phi hành gia cùng lúc có mặt trên trạm không gian Trung Quốc.
Gửi phản hồi
In bài viết