Theo tuần báo Nikkei Asia, ngày 29-4 chính quyền Trung Quốc triệu tập đại diện của 13 công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tài chính, trong đó có Tencent Holdings và ByteDance, tới dự cuộc họp do Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Pan Gongsheng chủ trì.
Theo thông cáo từ chính quyền, mục đích của cuộc họp nhằm ngăn chặn tình trạng độc quyền và mở rộng quy mô vốn bừa bãi, đồng thời kiểm tra, rà soát tình trạng quản lý doanh nghiệp kém, lách luật cũng như cạnh tranh không lành mạnh.
Theo thông cáo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tất cả các công ty được triệu tập ngày 29-4 là những công ty có hoạt động cũng như quy mô ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực tài chính, và đều là các ví dụ tiêu biểu cho những vấn đề còn tồn tại nêu trên.
Trong số các công ty bị triệu tập có Tencent - tập đoàn sở hữu Công ty WeChat Pay, là đối thủ số một của Hãng công nghệ tài chính Ant Group thuộc sở hữu của Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group Holding.
Ngoài ra còn có Công ty ByteDance - chủ sở hữu nền tảng mạng xã hội TikTok, nền tảng dịch vụ tài chính Lufax đã niêm yết tại sàn chứng khoán New York, cùng các nhánh công nghệ tài chính thuộc quản lý của JD.com, Baidu, Meituan, Didi Chuxing và Ctrip.
Mặc dù các hãng công nghệ tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của dịch vụ tài chính, giúp phổ cập hệ thống tài chính và giảm chi phí giao dịch, song ngành này cũng phát sinh nhiều vấn đề bất cập.
Theo chính quyền Trung Quốc, một số nhà cung cấp dịch vụ tài chính hoạt động không phép, một số công ty đang tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm quyền lợi khách hàng.
Tại cuộc họp, nhà chức trách đưa ra 7 nguyên tắc với các doanh nghiệp công nghệ tài chính. Trong đó, nguyên tắc đầu tiên là mọi hoạt động tài chính phải chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước.
Chính quyền Trung Quốc cũng yêu cầu phá bỏ thế độc quyền thông tin, thành lập các công ty cổ phần tài chính, cấm các lãnh đạo cấp cao không nắm giữ cùng lúc nhiều vị trí bao trùm các hoạt động của doanh nghiệp để đảm bảo sự độc lập của hoạt động tài chính.
Kể từ sau khi hủy phiên phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group, Bắc Kinh đã có nhiều biện pháp quyết liệt để kiểm soát các doanh nghiệp trong khối công nghệ tài chính. Gần đây nhất, Tập đoàn Alibaba bị phạt 2,81 tỉ USD vì vi phạm luật chống độc quyền.
Gửi phản hồi
In bài viết