“Vạn sự khởi đầu nan”, anh Bình đã gặp rất nhiều khó khăn, thử thách của những ngày đầu, năm đầu làm kinh tế lâm nghiệp. “Làm gì để phát huy hiệu quả từ 7 ha rừng bố mẹ để lại” - đó là trăn trở mỗi đêm của anh. Cách đây hơn chục năm, giá gỗ rẻ và bấp bênh, vốn kinh nghiệm còn hạn chế, diện tích rừng của gia đình anh thường bị sâu bệnh nên rừng không đem lại hiệu quả. Anh Bình không ngại khó đi nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm về trồng rừng. “Trong 7 ha đất rừng, không phải 100% thổ nhưỡng giống nhau. Quan trọng là xác định thổ nhưỡng của từng lô, khoảnh để trồng các loại cây cho phù hợp. Ví như, với loại đất đá thì trồng cây mỡ; đất thịt trồng cây keo; đất khô, độ ẩm ít trồng bạch đàn” - anh Bình chia sẻ.
Để lấy ngắn nuôi dài, anh Bình trồng xen các loại cây thức ăn gia súc trên đất rừng trong năm đầu tiên của mỗi chu kỳ rừng. Đồng thời, phát triển chăn nuôi gà, lợn, cá để tận dụng nguồn sản phẩm phụ; nuôi ong dưới tán rừng. Nhờ áp dụng hiệu quả vốn kiến thức trong trồng rừng, mô hình kinh tế rừng của anh Bình từng bước cho thu nhập cao. Từ diện tích 7 ha rừng năm 2010, đến nay, anh Bình đã tích lũy, đầu tư hàng tỷ đồng để nhân rộng diện tích rừng lên 20 ha.
Vốn ham học hỏi, phát huy vai trò đảng viên tiên phong, gương mẫu, nói là làm, anh Bình thường xuyên đi nhiều nơi học hỏi các mô hình kinh tế, trồng và chăn nuôi thử nghiệm hàng chục loại cây trồng, vật nuôi trong suốt những năm qua. Anh Bình nhẩm tính: trung bình mỗi năm, anh có 3 ha rừng được khai thác, thu nhập khoảng trên 300 triệu đồng. Cùng nguồn thu từ các loại cây trồng, vật nuôi khác; ngành nghề thu mua nông sản, gỗ rừng, dịch vụ vận tải, tổng nguồn thu nhập của gia đình ước trên 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Anh Bình là đảng viên, đoàn viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế của xã Thái Bình; góp phần thúc đẩy phong trào thi đua phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết