Có thể ví Tuyên Quang như một hình ảnh thu nhỏ của văn hóa Việt Bắc, bởi mảnh đất xứ Tuyên tự hào lưu giữ một bề dày giá trị văn hóa truyền thống của 22 dân tộc anh em. Tuyên Quang có 425 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc. Trong đó có 16 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, nghi lễ thực hành "Then Tày - Nùng - Thái Việt Nam" được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…
Truyền dạy di sản văn hóa Soọng cô của người Sán Dìu, xã Ninh Lai (Sơn Dương).
Về lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, trên địa bàn tỉnh có 625 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phong phú, độc đáo. Chính vì lẽ đó mà Tuyên Quang được gọi là "bảo tàng cách mạng" của cả nước. Bên cạnh đó, mảnh đất thiêng xứ Tuyên còn một bảo vật quốc gia duy nhất là Văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc ở chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, Yên Nguyên (Chiêm Hóa). Đi đâu trên đất xứ Tuyên du khách cũng bắt gặp những ngôi đền, chùa cổ. Hàng năm, lượng người hành hương về đất Thánh Mẫu rất đông, nhất là dịp đầu năm mới.
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, những năm qua tỉnh đã chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Ngành văn hóa tham mưu cho UBND tỉnh khôi phục, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số thông qua việc tổ chức, phục dựng những lễ hội truyền thống; bảo tồn, khôi phục những làn điệu dân ca của địa phương. Hiện nay, Sở cũng đang tiến hành kiểm kê toàn diện những di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó lựa chọn những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để có biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Đối với di sản văn hóa vật thể, những năm qua, nhờ đầu tư tôn tạo mà các di tích lịch sử cách mạng không những được bảo tồn, còn phát huy tốt giá trị. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hàng năm toàn tỉnh đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 1 triệu lượt du khách tới tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình.
Hiện nay các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện Dự án 6 của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đó là dự án về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch". Tham gia dự án, người dân được nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian, mô hình văn hóa truyền thống, mô hình di sản kết nối các hành trình du lịch; bảo tồn các làng văn hóa, phong tục tập quán…
Trên địa bàn Tuyên Quang, nhiều huyện đã và đang làm tốt công tác bảo tồn, gắn di sản văn hóa các dân tộc trong phát triển du lịch cộng đồng như Lâm Bình, Na Hang, Sơn Dương... khi biết khai thác những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc từ trang phục, nhà ở, ẩm thực, dân ca trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Hiện nay Lâm Bình đã phát triển được trên 50 điểm Homestay, mỗi năm thu hút hơn 20 nghìn lượt khách lưu trú. Đồng chí Lê Thế Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình chia sẻ, chính những kết quả ấy đã thay đổi tư duy của người dân về làm du lịch, bảo tồn văn hóa bền vững. Phát triển du lịch song hành bảo tồn văn hóa là cách làm hiệu quả mà địa phương thực hiện trong nhiều năm qua.
Nhờ thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mà văn hóa xứ Tuyên có nét riêng, độc đáo, ấn tượng. Không chỉ giữ gìn di sản truyền thống mà còn biến di sản trở thành tài sản để làm giàu trên chính quê hương mình.
Gửi phản hồi
In bài viết