Từ ngày 1-7-2023, thí sinh dự thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trên máy tính đối với tất cả các kỹ năng
gồm nghe, nói, đọc, viết. Ảnh minh họa
Điểm mới đáng chú ý là sự điều chỉnh về hình thức thi. Theo quy định hiện hành, các kỹ năng nghe, đọc, viết được tổ chức trên giấy hoặc trên máy vi tính; kỹ năng nói được tổ chức bằng hình thức thi nói trực tiếp hoặc thi trên máy tính. Dựa trên điều kiện thực tế, đơn vị tổ chức thi sẽ thông báo về hình thức thi cụ thể để thí sinh biết trước khi đăng ký dự thi. Tuy nhiên, ở Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT quy định rõ: Từ ngày 1-7-2023, tất cả các kỹ năng gồm nghe, nói, đọc, viết đều được tổ chức thi trên máy tính.
Điểm mới nữa là quy định về đơn vị tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ theo các định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể, bên cạnh các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành ngôn ngữ nước ngoài hoặc sư phạm tiếng nước ngoài, trung tâm ngoại ngữ, quy định mới bổ sung loại hình đơn vị được phép tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, gồm: Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm tin học - ngoại ngữ do chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc giám đốc sở giáo dục và đào tạo quyết định thành lập.
Về yêu cầu để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, bên cạnh điều kiện về cơ sở vật chất để bảo đảm tổ chức thi cả 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) cho ít nhất 100 thí sinh trong một lượt thi, các đơn vị phải bảo đảm yêu cầu về nhân sự, như: Có ít nhất 20 cán bộ chấm thi nói và viết đối với tiếng Anh, 10 cán bộ chấm thi nói và viết đối với mỗi ngoại ngữ khác; có ít nhất 12 cán bộ ra đề thi đối với tiếng Anh, 4 cán bộ ra đề thi đối với mỗi ngoại ngữ khác…
Hằng năm, các đơn vị phải rà soát, điều chỉnh ngân hàng câu hỏi thi và bổ sung tối thiểu 10% số lượng câu hỏi đối với từng kỹ năng.
Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 24-10-2021.
Gửi phản hồi
In bài viết