Gặp gỡ trước chuyến đi
Dù đã biết hay mới quen người sẽ đồng hành cùng mình, bạn cũng nên gặp gỡ hoặc trao đổi trước qua email, chat... để tìm hiểu sở thích, thói quen của người đó nhằm tránh những xung đột có thể nảy sinh. Bởi chuyến đi kéo dài nhiều ngày, việc thay đổi thói quen sinh hoạt, không gian, thời gian... có thể là những tác động ngoại cảnh khiến bạn dễ nảy sinh tâm lý cáu kỉnh, bực bội với đối phương, do đó, việc gặp gỡ trước sẽ giúp các bạn có một chuyến đi vui vẻ, thoải mái hơn.
Lên kế hoạch chi tiêu
Các bạn nên thảo luận về kế hoạch chi tiêu trước và trong chuyến đi bởi việc này càng chi tiết thì càng hạn chế được mâu thuẫn phát sinh. Cần có kế hoạch cụ thể, tính toán các chi phí “cứng” như vé máy bay, thuê khách sạn, lệ phí visa, ăn uống, vé thắng cảnh... để mỗi người nộp trước một khoản kinh phí dự trù. Trưởng nhóm là người có trách nhiệm ghi đầy đủ những khoản đã chi và khớp lại với các thành viên vào cuối ngày nhằm tránh những hiểu lầm không đáng có.
Kiểm soát cảm xúc
Việc ở cùng nhau trong nhiều ngày có thể gây ra cho bạn cảm giác khó chịu bởi sự khác biệt về thói quen, nếp sinh hoạt. Vì thế, hãy cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình và tìm cách góp ý nhẹ nhàng với đối phương để hiểu nhau hơn. Luôn giữ tâm lý tích cực, lạc quan để có thể dễ dàng giải quyết các sự cố, khó khăn xảy đến. Chỉ cần một người trong đoàn mệt mỏi, cáu gắt cũng khiến chuyến đi trở nên nặng nề.
Chấp nhận sự khác biệt
Khi đã quyết định đi du lịch theo nhóm, bạn nên vui vẻ chấp nhận sự khác biệt của các thành viên. Đôi khi, bạn có thể học hỏi ở họ từ chính những điều khác biệt. Nếu cảm thấy khó hòa hợp ngay từ đầu, hãy tìm cách rút lui để tránh những cảm xúc tiêu cực hay những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Gửi phản hồi
In bài viết