Hàng nghìn người tham gia tuần hành tại thủ đô Paris của Pháp. (Ảnh REUTERS)
Tại châu Âu, những người ủng hộ người dân Palestine tổ chức biểu tình tại nhiều thành phố lớn. Truyền thông Anh phát hình ảnh đám đông biểu tình ngồi tại nhiều địa điểm và tuần hành tới quảng trường Trafalgar ở trung tâm London; hoạt động biểu tình ngồi cũng diễn ra tại nhiều thành phố của Anh. Tại Pháp, khoảng 20.000 người tuần hành ở Paris, cuộc tuần hành ở Lyon cũng có 5.000 người tham gia. Tại Đức, khoảng 9.000 người tại Berlin và 17.000 người tại Duesseldorf xuống đường bày tỏ ủng hộ người Palestine.
Hàng nghìn người tại Mỹ cũng tham gia tuần hành ở Washington kêu gọi ngừng bắn ở Gaza. Hàng trăm người tập trung tại thành phố Istanbul và thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ phản đối các cuộc tấn công của Israel. Tại Pakistan, các thương nhân xuống đường ở Lahore, mang theo cờ Palestine và biểu ngữ "Cứu Gaza". Trong khi đó, hàng nghìn người Israel tuần hành tại thành phố Tel Aviv yêu cầu trả tự do cho con tin bị bắt cóc tại Gaza...
Chiến sự vẫn leo thang
Phong trào Hồi giáo Hamas cho biết, ít nhất 47 người Palestine thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em và hàng chục người bị thương nặng, khi Israel không kích trại tị nạn Maghazi ở Gaza. Theo các quan chức y tế Palestine, số người Palestine thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào dải Gaza đã lên đến 9.770 người và khoảng 23.000 người bị thương.
Trong khi đó, nhà chức trách Israel cho biết, hơn 1.400 người ở nước này đã thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột bùng phát.
Liên hợp quốc cảnh báo, dải Gaza không còn nơi nào an toàn. Theo số liệu sơ bộ, có từ 800.000 đến 1 triệu người dân Palestine di chuyển đến phía nam Gaza trong khi khoảng từ 350.000 đến 400.000 người vẫn ở lại khu vực miền bắc. Quân đội Israel đã phân luồng một đường cao tốc chính ở Gaza để tạo điều kiện cho người dân sơ tán khỏi vùng chiến sự tới các khu vực phía nam nhằm tránh các cuộc không kích.
Không chỉ xung đột tại Gaza diễn biến phức tạp, mà giao tranh ở khu vực biên giới phía bắc của Israel giữa quân đội nước này và lực lượng Hezbollah tại Liban cũng có chiều hướng leo thang, khi hai bên liên tục thực hiện các cuộc tấn công qua lại. Lực lượng Hezbollah cho biết đã tấn công năm địa điểm tại Israel dọc biên giới. Quân đội Israel cũng thông báo đã không kích nhằm một kho tên lửa và một trạm quan sát của Hezbollah.
Thúc đẩy giải pháp hai nhà nước
Tại buổi tiếp các Bộ trưởng Ngoại giao các nước Arab tới thủ đô Amman dự hội nghị về xung đột Israel-Hamas, Quốc vương Jordan Abdullah lên án các vụ tấn công dân thường ở Gaza. Jordan khẳng định tiếp tục phối hợp các nước Arab nhằm ngăn chặn xung đột lan ra khu vực, đồng thời phản đối mọi nỗ lực nhằm chia tách Bờ Tây và dải Gaza.
Trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, những người đồng cấp các nước Arab hối thúc Washington hành động nhằm hướng đến một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Trong khi đó, phía Mỹ bày tỏ lo ngại, một lệnh ngừng bắn vào thời điểm này có thể tạo điều kiện cho Hamas tập hợp lực lượng và thực hiện tấn công tương tự vụ việc hôm 7/10 nhằm vào Israel.
Cảnh báo xung đột lan rộng ảnh hưởng an ninh, ổn định của người dân trong khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập kêu gọi một lệnh ngừng bắn vô điều kiện và ngay lập tức ở Gaza. Ai Cập kêu gọi khôi phục tiến trình hòa bình theo giải pháp hai nhà nước.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ khẳng định cam kết của Ấn Độ đối với cuộc chiến chống khủng bố; nêu bật sự cần thiết tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, bảo đảm tính mạng dân thường. Ấn Độ cũng khẳng định lại sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước trong tiến trình hòa bình Israel-Palestine.
Hàng nghìn người tham gia tuần hành tại thủ đô London của Anh. (Ảnh REUTERS)
Tăng viện trợ nhân đạo
Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Ai Cập (ERC) thông báo đã chuyển đợt viện trợ nhân đạo khẩn cấp thứ 11 tới dải Gaza thông qua cửa khẩu Rafah. Theo ERC, lô hàng viện trợ gồm thực phẩm, nước uống, thuốc và thiết bị y tế. Giám đốc điều hành ERC Rami El-Nazir cảnh báo nguồn viện trợ nhân đạo dành cho Gaza sắp cạn kiệt và kêu gọi các nước và tổ chức quốc tế tăng cường quyên góp viện trợ cho khu vực này.
Theo Liên hợp quốc, hệ thống y tế ở dải Gaza quá tải, thiếu nghiêm trọng nguồn cung điện, nước và nhân lực. Đến nay, 14 trong số 35 bệnh viện và 51 trong 72 phòng khám y tế cơ sở đã đóng cửa. Chỉ 1 trong 3 đường cấp nước từ Israel vào Gaza còn hoạt động.
Liên hợp quốc cho biết, không có bằng chứng cho thấy lực lượng Hamas ngăn chặn hoặc thu giữ hàng viện trợ vào Gaza. Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) đã tiếp cận được các kho chứa nhiên liệu ở Gaza để cung cấp nhiên liệu cho xe tải chở hàng, nhà máy lọc nước biển và bệnh viện ở miền nam Gaza. Các bên cũng đạt được thỏa thuận về một cơ chế cho phép đưa xăng dầu vào Gaza.
Trong khi đó, Israel xác nhận đã trả tự do cho 3.200 lao động Palestine bị tạm giữ tại Bờ Tây ngay sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas hôm 7/10. Các công nhân này đã được đưa về Gaza. Israel đã trục xuất hơn 18.500 lao động Palestine, chủ yếu là công nhân xây dựng và nông dân, làm việc tại các công trường và nông trại ở Bờ Tây và quanh dải Gaza.
Gửi phản hồi
In bài viết