Tuân thủ quy định mới từ thị trường nông sản châu Âu

Từ cuối năm 2024 và đầu năm 2025, Liên minh châu Âu (EU) liên tục đưa ra các quy định mới nghiêm ngặt hơn về an toàn thực phẩm và phát triển bền vững nhằm giảm tác động môi trường và bảo đảm chất lượng nông sản. Điều này đang đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng tiêu chuẩn nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường tiềm năng này.

Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex Hậu Giang. (Ảnh QUỐC TUẤN)

Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex Hậu Giang. (Ảnh QUỐC TUẤN)

Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) thông tin, thời gian gần đây, Văn phòng nhận được một số cảnh báo từ Hệ thống an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU đối với các thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm các quy định của EU. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ quy định của thị trường trước khi tiến hành xuất khẩu để tránh rủi ro.

Siết chặt các quy định an toàn thực phẩm

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, hiện EU đã đưa ra các quy định mới liên quan đến nông sản tươi, như: yêu cầu nông sản nhập khẩu đáp ứng mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (MRLs) nghiêm ngặt. Một số hóa chất không được phép sử dụng trong EU sẽ bị cấm hoàn toàn trên sản phẩm nhập khẩu. Thí dụ, theo Quy định 2023/915, mức dư lượng cadmium tối đa được giảm cho các loại trái cây như dâu, cam, quýt, xoài, chuối và dứa. Tiếp đến là nông sản tươi nhập khẩu vào EU cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật (phytosanitary certificate). Chứng nhận này bảo đảm sản phẩm không mang sinh vật gây hại. Riêng một số loại như chuối, dừa, chà là, dứa và sầu riêng không cần chứng nhận này. Trong khi đó EU đưa thêm quy định bổ sung là nhiệt xử lý cho xoài hoặc các biện pháp tương tự được khuyến khích để ngăn chặn ruồi đục quả. Ngoài ra, EU áp dụng tỷ lệ kiểm tra cao hơn đối với các sản phẩm có nguy cơ dư lượng hóa chất cao từ một số quốc gia.

Tuy nhiên, cùng trong khu vực EU nhưng các siêu thị Bắc Âu thường yêu cầu tiêu chuẩn riêng, khắt khe hơn so với quy định chung của EU đối với từng sản phẩm. Cụ thể như thị trường mật ong Bắc Âu, gồm các quốc gia như Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy, đang áp dụng các quy định truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt theo Chỉ thị Mật ong EU (Directive 2024/1438) nhưng có thêm yêu cầu truy xuất nguồn gốc mới, như: các loại mật ong pha trộn phải ghi rõ từng quốc gia xuất xứ trên nhãn chính; các mẫu mật ong sẽ được kiểm tra bằng công nghệ tiên tiến để bảo đảm tính xác thực; toàn bộ chuỗi cung ứng, từ tổ ong đến sản phẩm cuối cùng, phải được ghi chép rõ ràng. Đến năm 2028, EU sẽ áp dụng phương pháp phân tích tiêu chuẩn hóa này trên toàn khu vực.

Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, số liệu thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy, không chỉ riêng thị trường EU mà hầu hết các thị trường trọng điểm về xuất khẩu nông sản của Việt Nam đều có sự thay đổi, cập nhật các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các quy định này đều có cơ sở khoa học, có đánh giá rủi ro và được thông báo trước theo thông lệ quốc tế. Với một số thông báo vi phạm tại thị trường EU, nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp chưa đăng ký lưu hành các sản phẩm có chứa thành phần từ thực phẩm mới tại thị trường EU; doanh nghiệp khai báo các nguyên liệu trong sản phẩm không đúng với hồ sơ, đặc biệt là các nguyên liệu dễ gây dị ứng cho người tiêu dùng; sản phẩm có chứa phụ gia thực phẩm trái phép hoặc vượt mức quy định; doanh nghiệp không khai báo hoặc không thực hiện việc kiểm dịch thú y tại cửa khẩu đối với sản phẩm hỗn hợp có thành phần nguyên liệu từ động vật. Trong đó, "thực phẩm mới" được nêu chi tiết tại Quy định (EU) 2015/2283; Danh sách thực phẩm mới được cấp phép tại Quy định (EU) 2018/1023; Ghi nhãn thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng quy định tại Điều 21, Quy định (EU) 1169/2011. Danh sách các chất phụ gia được phép sử dụng tại Phụ lục II của Quy định (EC) 1333/2008. Đối với các sản phẩm thực phẩm hỗn hợp có chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật theo Quy định (EU) 2022/2292 ngày 6/9/2022 bổ sung Quy định (EU) 2019/625, thì thành phần nguyên liệu từ động vật phải nằm trong danh sách các doanh nghiệp (quốc gia được phê duyệt) được phép xuất khẩu sản phẩm động vật vào EU.

Cập nhật quy định, nghiêm túc thực thi

Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Ireland, Latvia) Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết: Thị trường Bắc Âu đặt ra các yêu cầu cao về chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản, đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chuẩn bị kỹ lưỡng và đáp ứng tiêu chuẩn cao. Tuy nhiên, với chiến lược phù hợp, các doanh nghiệp không chỉ vượt qua thách thức mà còn tận dụng cơ hội để mở rộng thị phần tại khu vực này. Một trong số những mặt hàng doanh nghiệp Việt Nam nên quan tâm xúc tiến thương mại thời điểm này là cà-phê.

Tại Thụy Điển, thời tiết cực đoan đang đẩy giá cà-phê lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, với dự báo một gói cà-phê sẽ tăng thêm 1-1,5 USD trong đầu năm nay và dự kiến sẽ tăng mạnh ít nhất hai lần trong năm 2025. Mặc dù Thụy Điển và các nước Bắc Âu ưu tiên cà-phê Arabica, nhưng giá cà-phê Arabica tăng cao có thể thúc đẩy các nhà nhập khẩu tìm kiếm nguồn cung cà-phê Robusta với giá hợp lý hơn. Doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường quảng bá cà-phê Robusta như một giải pháp thay thế chất lượng với giá thành thấp hơn. Tuy nhiên, để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng Bắc Âu, cần đầu tư vào giống Robusta chất lượng cao, giảm vị đắng gắt, tăng hương thơm và áp dụng các tiêu chuẩn canh tác bền vững; đồng thời xây dựng thương hiệu và chứng nhận quốc tế về nông nghiệp bền vững như: Rainforest Alliance, Fair Trade để thu hút người tiêu dùng khu vực này.

Đối với mặt hàng rau quả, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, EU là thị trường tiêu thụ lớn và ổn định đối với hầu hết các loại trái cây và rau quả tươi. Nhu cầu quanh năm với nhiều loại sản phẩm giúp duy trì sự phụ thuộc của EU vào các nhà cung cấp từ bên ngoài. Do đó, EU là thị trường tiềm năng mà các nước sản xuất rau quả ngoại khối đều muốn khai thác. Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu, trong 11 tháng năm 2024, EU nhập khẩu rau, hoa, củ, quả và sản phẩm chế biến từ thị trường ngoại khối đạt khoảng 83,55 tỷ USD. Việt Nam là nguồn cung ngoại khối rau, củ, quả và sản phẩm chế biến lớn thứ 24 cho EU, trị giá đạt 258,23 triệu USD.

Tuy nhiên, với con số này, thị phần rau quả và sản phẩm chế biến của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối mới chỉ chiếm 0,31%. Năm 2025, triển vọng xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam vẫn rất khả quan khi người dân EU ngày càng ưa chuộng các sản phẩm trái cây từ Việt Nam, gồm: xoài, dứa, thanh long, chanh leo, chôm chôm, vải, nhãn... Tuy nhiên, để tăng thị phần tại thị trường EU, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tăng cường quản lý chuỗi cung ứng, từ canh tác, sản xuất, đóng gói đến vận chuyển. Việc này đòi hỏi sự minh bạch và tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nguồn gốc nguyên liệu và các tiêu chí tăng trưởng xanh.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục