Không cho đất nghỉ
Đến Ninh Thái, tiếng máy cắt cỏ, máy làm đất, máy lên luống, người gieo hạt, người rải rơm, tưới nước hòa cùng tiếng nói cười vui vẻ đã tạo nên khí thế làm việc khẩn trương, nhộn nhịp cả một vùng. Nhanh tay gieo từng hạt giống bắp cải xuống luống đất đã được vun, xới tơi xốp, chị Nguyễn Thị Mai cho biết, nhà chị có 7 sào đất trồng rau. Vụ này nhà chị trồng 3 sào rau giống su hào, bắp cải, súp lơ, còn lại chị trồng cà chua, dưa chuột, rau cải. Trồng rau giống rất nhanh cho thu hoạch, chỉ từ 20 - 25 ngày. Hiện giá cây bắp cải, su hào, súp lơ giống dao động từ 500 - 600 đồng/cây. Với 3 xào rau giống này, sau khi trừ chi phí đầu tư về giống, phân bón, chị bỏ túi hơn 40 triệu đồng. Thu hoạch xong rau giống chị sẽ tiếp tục trồng 1 vụ bắp cải, su hào, súp lơ đón Tết. Dịp tết là thời điểm bán cao giá nhất trong năm nên phải căn thời điểm gieo trồng để thu hoạch đúng dịp.
Vừa đi giao rau tận trên chợ trung tâm huyện Hàm Yên trở về, bà Đặng Thị Nội đã tất tả ra ruộng rau để tưới nước cho 9 sào rau cải, đỗ, dưa chuột của gia đình. Bà Nội bộc bạch, trồng rau màu vất vả lắm. Lúc nào cũng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Không chỉ có thế, trồng rau còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Cây rau kỵ nhất là gặp mưa, bão nhiều ngày, rau màu bị úng nước, nấm bệnh xâm nhập, có vụ bà bị mất trắng, phải nhổ bỏ toàn bộ ruộng rau. Với kinh nghiệm thâm canh hơn 20 năm, bà đã thực hiện trồng luân canh, xen canh nhiều loại cây rau màu trên 9 sào ruộng của gia đình.
Khi bắt đầu trồng cà chua, bà trồng xen canh cải thìa, khoảng một tháng sau cải thìa cho thu hoạch cũng là lúc cà chua được bắc giàn. Khi cà chua có dấu hiệu rạc, bà làm bầu cho bí để xen canh. Nhờ các biện pháp trồng luân canh, xen canh, hệ số sử dụng đất trồng rau màu của gia đình lên tới 4 đến 5 lần/năm. Để giữ đất khỏi bạc màu và hạn chế sâu bệnh, bí quyết của chúng tôi là trồng luân canh và sử dụng phân ủ hoai mục, thuốc sinh học để chăm, bón cho cây. Bà nhẩm tính, mỗi năm bà trồng 4 - 5 vụ theo công thức luân canh, gối vụ thì 9 sào trồng màu cũng giúp gia đình bà thu lãi 150 - 170 triệu đồng. So với trồng lúa thì thu nhập từ trồng rau cao hơn 4 - 5 lần.
Căn nhà khang trang của vợ chồng anh Đặng Thế Sang (đứng giữa), thôn Ninh Thái từ nguồn thu nhập trồng rau.
“Mùa nào cây nấy”, nông dân Ninh Thái không cho đất nghỉ với đa dạng các loại rau theo nhu cầu của thị trường, đồng ruộng bốn mùa xanh tươi. Ranh giới về thời chính hàng năm bị xóa nhòa bởi bà con nơi đây liên tục trồng luân canh, xen canh, gối vụ hoặc trồng trái vụ các loại rau màu. Vừa thu hoạch xong những luống cải canh, đỗ đũa, cà pháo, dưa lê… bà con đã tranh thủ làm đất ngay để xuống giống vụ màu mới. Bình quân mỗi năm, 1 sào trồng rau cho thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng/sào/năm.
Ông Lê Văn Tình, Trưởng thôn Ninh Thái chia sẻ, thôn có 78 hộ thì có hơn 70 hộ trồng rau màu. Với diện tích 28 ha thì diện tích rau màu của thôn có tới 20 ha. Tiêu biểu có các gia đình: ông Đặng Văn Thức 1 ha, Tống Xuân An 1 ha; ông Bùi Văn Sử, Lê Văn Đoàn, Đặng Thế Sang mỗi hộ 0,8 ha đất trồng màu. Đến thôn Ninh Thái vào bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng thấy màu xanh ngút ngàn của rau. Nhất là vào những tháng giáp Tết, các phương tiện tấp nập ra vào vận chuyển rau lên huyện, xuống thành phố và đi các tỉnh để tiêu thụ. Nhiều nông dân ra đồng từ 5 giờ sáng đến khi trời tối mới về nhà. Đất chẳng phụ công người, chỉ với vài sào rau màu mà cuộc sống của người dân trong thôn đã khấm khá, có điều kiện nuôi các con ăn học và tích lũy.
Hướng đến sản xuất rau an toàn
Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, việc hướng người dân đến sản xuất rau an toàn là xu thế tất yếu. Trước đây, người dân Ninh Thái vẫn canh tác rau màu theo kinh nghiệm truyền thống và do thương lái ra giá bán. Nhiều thời điểm, giá bán nhiều loại rau xuống thấp, người nông dân không muốn thu hoạch. Năm 2021, thôn Ninh Thái tiếp nhận và triển khai dự án trồng rau an toàn từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) với quy mô 5 ha. Theo đó, tháng 8-2021, Tổ hợp tác rau an toàn thôn Ninh Thái được thành lập với sự tham gia của 12 hộ trồng rau. Tham gia tổ hợp tác, các thành viên được hỗ trợ giống, đào tạo về quy trình kỹ thuật thâm canh rau an toàn. Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ tổ 1 nhà màng với diện tích 200 m2.
Dẫn chúng tôi tham quan ruộng rau an toàn, chị Trần Thị Dung, thành viên tổ hợp tác cho biết, trước đây, gia đình chị sản xuất rau theo phương thức truyền thống, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc rau đảm bảo an toàn, chị trồng và chăm sóc rau chỉ dựa trên kinh nghiệm nên hiệu quả, giá trị kinh tế chưa cao. Từ khi tham gia Tổ hợp tác, chị được tập huấn các phương pháp sản xuất cũng như kỹ thuật về quản lý nguồn nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả. So với cách trồng rau truyền thống thì trồng rau sạch theo hướng tập trung tuy có nhiều quy định ràng buộc, nhưng an toàn với cả người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Dù mất nhiều công, chi phí đầu tư cao hơn, nhưng bù lại sản phẩm đưa ra thị trường được mọi người tin tưởng, đón nhận.
Ông Lê Hữu Phú, tổ trưởng tổ sản xuất rau an toàn thôn Ninh Thái cho biết, với 5 ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tổ yêu cầu các thành viên tìm hiểu kỹ và lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo yếu tố an toàn đối với sản phẩm. Cùng với đó, tổ giao cho mỗi thành viên một cuốn sổ theo dõi, ghi chép tỷ mỉ, hàng ngày thời gian làm đất, gieo trồng, sử dụng thuốc, cách ly cho từng loại cây, sử dụng phân chuồng ủ hoai mục...
Từ khi tổ hợp tác được thành lập đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân nơi đây, nâng cao sự cạnh tranh và chất lượng sản phẩm rau sạch. Sản xuất rau an toàn cần tuyệt đối tuân theo 3 nguyên tắc cần được bảo vệ đó là sức khỏe bản thân, cộng đồng và môi trường. Vui hơn nữa trong tháng 9 này, sau khi lấy mẫu đất, mẫu nước để kiểm định tiêu chuẩn VietGAP, tổ hợp tác rau an toàn thôn Ninh Thái đã đạt tiêu chuẩn. Theo như đúng lộ trình, đến tháng 12 - 2022, tổ sẽ được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Từ đó, sẽ góp phần nâng cao giá trị cho cây rau Ninh Thái.
Mặc dù diện tích rau được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mới chỉ 5 ha, nhưng đây đang là hướng đi mới, góp phần thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của bà con nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn đối với sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở địa phương. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng mô hình sản xuất rau an toàn. Đồng thời, phối hợp với huyện, tỉnh hỗ trợ người dân tổ chức liên kết sản phẩm theo chuỗi; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Đây là hướng đi lâu dài của xã phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng rau màu theo hướng bền vững và tiến lên quy mô lớn - đồng chí Tống Huy Thật, Chủ tịch UBND xã Thái Hoà (Hàm Yên) khẳng định.
Nhờ giá trị cao của rau màu, nhiều nông dân Ninh Thái vẫn ngày đêm miệt mài gắn bó với đồng ruộng, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Công sức của họ đã được đền đáp xứng đáng, bức tranh tươi màu xanh ấm no ở Ninh Thái ngày thêm tươi sáng hơn...
Gửi phản hồi
In bài viết