Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne (ngoài cùng bên trái) là người có nhiều mối quan hệ với chính quyền mới của Mỹ, từ thời bà còn làm Bộ trưởng Quốc phòng Australia. Nguồn MICHAEL DWYER
Mỹ là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới, nên không khó hiểu khi việc xây dựng mối quan hệ tốt với chính quyền Mỹ dường như là trọng tâm của tất cả các quốc gia. Vì vậy, ngay trước khi chính quyền mới tại Mỹ chính thức đi vào hoạt động, nhiều quốc gia trong đó có Australia đã xây dựng chiến lược để đẩy mạnh quan hệ với chính quyền mới ở Mỹ.
Cho đến lúc này, dưới góc độ nhân sự, việc Tổng thống đắc cử Joe Biden đề cử ông Tony Blinken vào ghế Ngoại trưởng, ông Jake Sullivan vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia và ông Kurt Campbell vào vai trò nhà điều phối khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Nhà Trắng đang tạo ra những tín hiệu thuận lợi đối với Australia. Không chỉ ông Tony Blinken mà cả ông Jake Sullivan và ông Kurt Campbell đều là những người có nhiều quan điểm đối ngoại tương đồng với Australia. Nếu như ông Tony Blinken ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh trong khu vực; thì ông Jake Sullivan lại là người vào tháng trước đã công khai lên tiếng ủng hộ Australia, trong vụ một cán bộ ngoại giao Trung Quốc đăng tải dòng tweet, cùng với 1 tấm ảnh ghép dựng về một binh lính Australia cầm dao dí vào cổ một em bé. Trong khi đó, ông Kurt Campbell, một trong những kiến trúc sư của chiến lược “xoay trục” sang Châu Á dưới thời Tổng thống Obama, cũng muốn đưa Mỹ tiến gần lại hơn với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Không chỉ các nhân vật chủ chốt có quan điểm gần gũi với Australia, các cá nhân này cũng đã từng làm việc và có mối quan hệ cá nhân tốt với các thành viên chính phủ Australia như Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne.
Mặc dù các đề cử nhân sự trong chính quyền Mỹ hiện nay đã bộc lộ nhiều dấu hiệu thuận lợi cho mối quan hệ với Australia, trong thời gian ông Joe Biden đảm nhiệm vai trò Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, song con đường không chỉ được “rải hoa hồng”. Hiện có 2 hồ sơ mà Australia đang phải theo dõi sát sao mọi động thái từ chính quyền mới tại Mỹ, đó là Trung Quốc và biến đổi khí hậu.
Australia hiện đang thực thi chính sách thẳng thắn và cương quyết đối với Trung Quốc. Trong khi đó, vào tháng 9/2020, ông Tony Blinken từng phát biểu rằng “Trung Quốc đang đặt ra thách thức ngày càng tăng, có thể được cho là thách thức lớn nhất” đối với bất kỳ quốc gia nào, đồng thời nhấn mạnh quan hệ với Trung Quốc sẽ bao gồm hai khía cạnh “đối đầu” và “hợp tác”. Vì thế cũng không loại trừ khả năng Mỹ sẽ ép Australia nối lại đối thoại chính trị với Trung Quốc để tạo bầu không khí thuận lợi cho hoạt động hợp tác.
Vấn đề thứ hai đó là biến đổi khí hậu. Tổng thống đắc cử Joe Biden từng khẳng định, biến đổi khí hậu là một trong bốn ưu tiên trong chính phủ của ông. Trong khi đó, Australia hiện đang chịu nhiều sức ép từ các nước châu Âu về cam kết cắt giảm khí thải nhà kính. Thậm chí, trong hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu vào tháng 12/2020, lời mời Thủ tướng Austrlia phát biểu tại hội nghị này còn bị rút lại, sau khi có điều tiếng về việc liệu chính sách về biến đổi khí hậu của Australia có xứng đáng để nước này được phát biểu tại hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ.
Mặc dù tồn tại những vấn đề mà Australia cần phải tiếp tục đi tìm tiếng nói chung với chính quyền mới tại Mỹ, song nhìn về tổng thể, dư luận Australia đang hy vọng chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ không chỉ thúc đẩy quan hệ giữa hai nước mà còn kéo Australia can dự nhiều hơn vào các vấn đề trong khu vực.
Chính sách của một chính quyền luôn được xây dựng nhằm phục vụ lợi ích của quốc gia. Vì vậy các quốc gia sẽ gắn kết với nhau khi có chung lợi ích. Dù là đồng minh, quan hệ giữa Australia và Mỹ cũng không nằm ngoài quy luật này. Mặc dù đang có nhiều dấu hiệu thuận lợi, song mức độ gắn kết trong mối quan hệ giữa Australia và chính quyền mới tại Mỹ sẽ phụ thuộc các tầng nấc lợi ích chung được tạo dựng giữa hai bên. Cơ hội đang đến, chắc Australia sẽ không để tuột khỏi tầm tay./.
Gửi phản hồi
In bài viết