Nhanh chóng khắc phục
Qua ghi nhận, trong trận lũ lụt của cơn bão số 3 vừa qua, một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang bị ảnh hưởng. Trong đó, Công ty cổ phần Xi măng Tuyên Quang đã bị ngập lụt làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Ông Nguyễn Mạnh Danh, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Tuyên Quang (TP Tuyên Quang) cho biết: "Từ năm 2017 đến nay, công ty đã đầu tư trên 100 tỷ đồng vào hệ thống máy, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất của đơn vị. Trong trận bão lũ vừa qua, công ty bị nước ngập sâu vào sân nên phải dừng hoạt động. Ngay khi nước rút, đơn vị đã huy động công nhân tập trung dọn bùn, vệ sinh nhà máy. Đến ngày 13 -9, đơn vị đã vận hành nhà máy hoạt động trở lại bình thường.
Còn tại Công ty CP Xi măng Tân Quang, nhà máy của công ty tuy không bị ngập lụt nhưng hiện đang dừng sản xuất để bảo dưỡng máy móc thiết bị. Sau khi hoạt động trở lại, Công ty phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Một số doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) như: Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang, Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Công ty TNHH MTV Seshin VN2, Công ty TNHH MSA YB... không bị ảnh hưởng trực tiếp do trận lũ lụt vừa qua. Nhưng các công ty đã chủ động phát đi thông báo tới toàn thể cán bộ, công nhân. Các công ty đã linh hoạt cho phép công nhân sinh sống trong vùng ngập lụt tạm nghỉ việc, đảm bảo an toàn cho đến khi tình hình ổn định và họ có thể quay lại làm việc.
Công ty TNHH MSA YB, Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) đã ổn định sản xuất.
Một số doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng, huyện Sơn Dương đã phải tạm dừng sản xuất trong các ngày từ mùng 9 đến mùng 10 - 9 . Cụ thể, các công ty như Công ty TNHH Tai Shing, Công ty TNHH Future Of Sound Vina và Công ty TNHH Hitarp Việt Nam đều gặp khó khăn do tình trạng ngập lụt và giao thông bị gián đoạn. Tuy nhiên, đến ngày 11 - 9, khi tình hình giao thông được cải thiện, công nhân đã trở lại làm việc và các doanh nghiệp này đã hoạt động bình thường trở lại.
Về tình hình cung ứng điện, trên địa bàn tỉnh có 3 trạm biến áp phân phối bị cháy hỏng; 1 trạm cắt recloser bị cháy, hỏng; 29 cột điện trung thế, 231 cột điện hạ thế bị gãy đổ; 10.200 số công tơ bị ngập nước. Tuy nhiên, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã triển khai nhanh chóng việc khôi phục cấp điện cho khách hàng theo phương án đã lập. Cấp điện lại cho khách hàng theo phương án nước rút đến đâu kiểm tra đảm bảo an toàn và cấp điện ngay đến đó. Đối với đường dây, thiết bị sự cố đã tập trung lực lượng kiểm tra, sửa chữa, thay thế ngay để đảm bảo cấp điện nhanh nhất có thể cho khách hàng.
Tăng trưởng tích cực
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 đạt 23.730 tỷ đồng, trong đó 6 tháng cuối năm, giá trị sản xuất công nghiệp phải đạt 17.797,5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, rất may, trong đợt bão lũ vừa qua, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh không bị ảnh hưởng nhiều, cơ bản ổn định.
Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp từ nay đến cuối năm, ngành tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư để rà soát, nắm bắt tiến độ thực hiện cũng như các khó khăn, vướng mắc của các dự án công nghiệp nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện.
Đồng thời, tập trung quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ; huy động các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; sớm khởi công Khu công nghiệp Nhữ Khê - Đội Cấn và điều chỉnh, mở rộng quy hoạch khu, cụm công nghiệp...
Công nhân Công ty cổ phần woodsland Tuyên Quang thi đua lao động sản xuất phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm.
Theo báo cáo Sở Công Thương, các chỉ tiêu chủ yếu về công nghiệp, thương mại của tỉnh ước thực hiện 9 tháng cơ bản đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước thực hiện 9 tháng đầu năm 2024 đạt trên 17.800 tỷ đồng, bằng 75,3% kế hoạch năm, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 9 tháng đầu năm đạt 123,4 triệu USD, bằng 72,6% kế hoạch năm, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu tăng trưởng tích cực trong hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Để hoàn thành kế hoạch năm 2024, từ nay đến cuối năm, Ngành Công Thương tăng cường phối hợp với các ngành tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, đưa vào hoạt động ổn định dự án dự kiến có giá trị sản xuất công nghiệp cao, thu ngân sách lớn như: Nhà máy sản xuất vải bạt Tarpaulin công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm của Công ty TNHH Tarpaulin JoYoung vina; Dự án nhà máy sản xuất giấy Tissue công suất 18.000 tấn sản phẩm/năm của Công ty cổ phần Hồng Phát Tuyên Quang; Nhà máy sản xuất ván sàn công suất 1,92 triệu m2/năm của Công ty TNHH Future Ghi Singapore; Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Công ty cổ phần Erex (Nhật Bản)...
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện các cơ chế chính sách nhằm tạo thêm sức hút với nhà đầu tư; trong đó, có lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh thu hút các dự án đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo như: Điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời...; đẩy nhanh tiến độ, kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, tham gia kêu gọi, thu hút các dự án công nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà có giá trị cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, các sản phẩm mới tạo động lực tăng trưởng và năng lực sản xuất mới.
Gửi phản hồi
In bài viết