Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn và các đại biểu dự Hội nghị công bố
chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Năm 2021 là năm thứ 8 liên tiếp Tuyên Quang vươn lên vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng PCI với vị trí 29/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số điểm tổng hợp của Tuyên Quang tăng từ 63,46 năm 2020 lên 64,76 năm 2021. Theo phân tích của
các chuyên gia Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan liên quan khi thực hiện khảo sát năm 2021, Tuyên Quang đã vững chắc ở vị trí top các tỉnh có chỉ số PCI khá trong cả nước và xếp thứ 4 trong 14 tỉnh phía Bắc. Đáng chú ý nữa, trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh có đến 6 chỉ số tăng điểm so với năm 2021, gồm: Chỉ số gia nhập thị trường tăng gần 1 điểm; tiếp cận đất đai, tăng 0,6 điểm; tính minh bạch, tăng gần 1 điểm; chi phí không chính thức, tăng gần 2 điểm; tính năng động của chính quyền tỉnh, tăng 1,3 điểm... Đây thực sự là nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động xấu, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh khẳng định, thực hiện Chỉ thị số 02-CT/TU, ngày 15-11-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính, trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong thực thi công vụ, nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ có liên quan đến công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh...
Theo ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh ghi nhận nhiều cách làm mới, sáng tạo của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp. Rõ nét nhất là Chương trình Cà phê doanh nhân. Đây thực sự là kênh thông tin đối thoại cởi mở giữa chính quyền tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, qua đó kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó, xây dựng các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, giúp doanh nghiệp có điều kiện kinh doanh, đầu tư thuận lợi nhất.
Không dừng lại ở cấp tỉnh, hoạt động đối thoại doanh nghiệp đã được triển khai tới cấp huyện, ngành, nhằm tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Thống kê chưa đầy đủ, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã có khoảng 3.000 ý kiến của doanh nghiệp được phản ánh thông qua Chương trình Cà phê doanh nhân và đối thoại doanh nghiệp, trong đó rất nhiều ý kiến đề nghị đã được tỉnh, ngành địa phương tiếp nhận giải quyết, mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh cũng cải thiện môi trường đầu tư thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư tại tỉnh.
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thu hút 36 dự án đầu tư với số vốn gần 26 nghìn tỷ đồng, đạt 50% mục tiêu thu hút đầu tư giai đoạn 2020 - 2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Đây là con số ấn tượng thu hút đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, khẳng định chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã hấp dẫn
các tập đoàn, doanh nghiệp. Ông Yoon Sungbae, Giám đốc điều hành Công ty Chunghak F&C (Hàn Quốc) cho biết, từ khi tìm hiểu và cho đến thực hiện các thủ tục xin đầu tư luôn nhận được sự quan tâm, hướng dẫn, trợ giúp của Ban Điều phối Dự án có vốn đầu tư nước ngoài, huyện Sơn Dương, đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Theo ông Yoon Sungbae, dự án đầu tư Nhà máy sản xuất chế biến nông sản JW tại cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) với số vốn 3 triệu USD đã được tỉnh chấp thuận. Hiện tại dự án bắt đầu đi vào xây dựng, sẽ đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Cùng với cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2021 vừa qua tỉnh ta được ghi nhận thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19; thích ứng, linh hoạt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố, song tỉnh ta vẫn nằm trong vùng xanh - vùng an toàn, chuỗi cung ứng, sản xuất, tiêu thụ được duy trì không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất mà con tạo niềm tin và hiệu ứng tốt đối với các cá nhân, tổ chức có ý định tìm hiểu đầu tư vào tỉnh Tuyên Quang
Bên cạnh kết quả đạt được, việc nâng cao Chỉ số PCI còn những hạn chế, hiện có 4/10 chỉ số thành phần đã bị giảm điểm so với năm 2020, gồm: Chỉ số về thời gian; cạnh tranh bình đẳng; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Nguyễn Tiến Hưng khẳng định, đầu tháng 5 tới, trung tâm tham mưu UBND tỉnh tổ chức Chương trình Cà phê doanh nhân với sự tham gia của các sở, ngành liên quan, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cùng phân tích, đánh giá đầy đủ những chỉ số giảm điểm, chỉ số điểm thấp còn dư địa phát triển để tìm ra nguyên nhân, từ đó có giải pháp khắc phục. Cũng qua chương trình, tỉnh sẽ tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư nguyện vọng từ đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đồng thời, trong thời gian tới, tỉnh thực hiện hiệu quả chuyển đổi số các lĩnh vực, bảo đảm tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, lành mạnh cũng là yêu cầu để tiếp tục tiến nhanh về Chỉ số PCI, thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án tại tỉnh, tạo tiền đề để Tuyên Quang trở thành tỉnh phát khá, toàn diện và bền vững trong khu vực.
Gửi phản hồi
In bài viết