Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác bầu cử, Ủy ban bầu cử từ huyện đến cơ sở được thành lập theo đúng quy định. Sau khi thành lập, Ủy ban bầu cử huyện đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền về ngày bầu cử sát với thực tế ở địa phương. Nội dung tuyên truyền đảm bảo đúng sự chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và Hội đồng bầu cử quốc gia, hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với từng khu vực, có trọng tâm, trọng điểm...
Cử tri xã Phúc Yên (Lâm Bình) theo dõi thông tin ứng cử viên tại UBND xã.
Xã Phúc Yên là xã vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, nhận thức của nhân dân còn hạn chế. Vì vậy, từ khi triển khai công tác bầu cử đến nay, cùng với công tác nhân sự, công tác tuyên truyền về bầu cử luôn được địa phương quan tâm, chú trọng. Đồng chí Hoàng Văn Tôn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, xã tập trung tuyên truyền trực tiếp tại các hội nghị, cuộc họp; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và lưu động tại các thôn, bản trong xã để đưa các thông tin về công tác bầu cử đến với người dân.
Cử tri Chẩu Văn Quản, xã Bình An nói, thông qua các hình thức tuyên truyền về cuộc bầu cử, anh đã nắm được quyền và nghĩa vụ của mình. Anh sẽ nhắc nhở mọi người trong gia đình đi bầu cử đúng thời gian quy định. Đồng thời, nghiên cứu kỹ tiểu sử để lựa chọn những ứng cử viên ưu tú nhất bầu vào đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Công tác tuyên truyền được huyện chia làm 3 đợt. Đợt 1 từ đầu tháng 3 đến hết tháng 4, đợt 2 từ đầu tháng 5 đến ngày bầu cử và đợt 3 là sau ngay bầu cử. Bám sát vào mục đích, yêu cầu của kế hoạch, trong mỗi đợt tuyên truyền sẽ tập trung vào các nội dung khác nhau. Đợt 1, nội dung tuyên truyền chủ yếu là mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; quán triệt đầy đủ, sâu sắc chủ trương, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các văn bản hướng dẫn về cuộc bầu cử; diễn biến, kết quả các hội nghị hiệp thương. Đợt 2 tuyên truyền về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, quyền và nghĩa vụ người ứng cử, quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri. Đợt 3, tuyên truyền về sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân đối với cuộc bầu cử; kết quả cuộc bầu cử, danh sách những người trúng cử sau khi được cấp có thẩm quyền công bố chính thức.
Anh Tạ Văn Cường, giám đốc trung tâm văn hóa truyền thông và thể thao huyện nói, các file âm thanh tuyên truyền về cuộc bầu cử đã được gửi về các xã để phát trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương. Trung tâm cũng tiến hành rà soát, sửa chữa các cụm loa FM; căng treo băng rôn tuyên truyền tại những vị trí trung tâm của huyện, cài đặt banner trên cổng thông tin điện tử; đăng tải các tin, bài về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phản ánh công tác chuẩn bị, các bước tổ chức thực hiện quy trình bầu cử tại huyện và cơ sở, công tác kiểm tra tiến độ, nắm bắt dư luận xã hội của các cấp, ngành trong các chương trình phát thanh hàng ngày.
Nhiệm kỳ này, huyện có 49 người ứng cử đại biểu HĐND huyện ở 8 đơn vị bầu cử để bầu ra 30 đại biểu. Trong số 49 người ứng cử, có 45 người dân tộc thiểu số, chiếm 91,8%; trẻ tuổi 30 người, chiếm 76,9%; ngoài Đảng 8 người, chiếm 16,3%; tái cử 09 người, chiếm 13,8%; nữ 25 người, chiếm 51%. Ủy ban bầu cử các xã cũng đã công bố 281 người tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đảm bảo đúng quy định tại điều 57, 58 Luật bầu cử. Về cơ sở vật chất, Ủy ban bầu cử huyện đã tiếp nhận đầy đủ con dấu, hòm phiếu, thẻ cử tri... và đã phát đến Ủy ban bầu cử các xã.
Với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 -2026 trên địa bàn huyện Lâm Bình đã góp phần làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử sắp tới, tạo đồng thuận trong xã hội. Qua đó, động viên các tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ, tự giác, chủ động tham gia cuộc bầu cử, đảm bảo bầu cử thật sự là ngày hội của non sông.
Gửi phản hồi
In bài viết