Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN.
Tỷ giá trung tâm ngày 11-9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.005 VND/USD, tăng 10 đồng so với cuối tuần trước. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 393 đồng, tương đương 1,66%.
Được áp dụng từ đầu năm 2016, tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam (gồm USD, bath Thái Lan, EUR, nhân dân tệ (CNY), đô la Singapore, yên Nhật, won Hàn Quốc, đồng tiền của Đài Loan) và các cân đối tiền tệ vĩ mô.
Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh tăng trong những tuần gần đây, trong bối cảnh đồng USD không ngừng leo dốc trên thị trường quốc tế. Tính từ giữa tháng 7 đến nay, chỉ số DXY - thước đo sức mạnh của đồng USD - đã tăng tổng cộng hơn 5%.
Bên cạnh đó, sự trái ngược trong chính sách tiền tệ giữa Fed và Ngân hàng Nhà nước là nguyên nhân chính tạo áp lực lên tỷ giá. Theo đó, kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hạ lãi suất 4 lần, tổng cộng từ 1,25 điểm % đến 1,5 điểm %. Cùng thời gian đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đã thắt chặt thêm 4 lần, nâng lãi suất thêm 1 điểm %.
Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu bởi những tháng động ngoại lực, điều này được thể hiện khi tỷ giá trong nước thể hiện xu hướng tăng mạnh trong tháng. Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức trên 5%, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao đã khuyến khích nắm giữ USD, qua đó gây sức ép lên VND.
Theo MBS, hiện tại, tỷ giá đã chính thức vượt lên trên mức 24.000 đồng/USD. So với cuối tháng 7, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tăng 470 đồng và hiện giao dịch ở mức 24.140 đồng/USD.
MBS dự kiến, tỷ giá có thể đạt mốc 24.500 đồng với tầm nhìn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng thêm lãi suất trong năm nay nhưng áp lực có thể không mạnh do thặng dư thương mại trong nước ghi nhận ở mức cao so với các năm trở lại đây.
Theo MBS, cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,1 tỷ USD, tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này sẽ góp phần tạo sự ổn định cho VND trong khi USD có xu hướng mạnh lên.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ giữa tháng 11-2022, áp lực thị trường tài chính quốc tế giảm bớt (Fed phát tín hiệu giảm dần mức độ tăng lãi suất, DXY giảm gần 11% so với mức cao nhất năm 2022). Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ giá giao dịch USD/VND thị trường có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 6-2023, khi Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao trong khi lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất thị trường trong nước giảm, tạo áp lực khiến tỷ giá USD/VND trong nước có dấu hiệu tăng trở lại.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, với cơ chế điều hành theo tỷ giá trung tâm của Việt Nam, tỷ giá trung tâm diễn biến trên cơ sở tham chiếu diễn biến của giỏ đồng tiền của các đối tác thương mại lớn với Việt Nam. Theo đó, tỷ giá trung tâm phản ánh được diễn biến thị trường quốc tế nói chung, bao gồm diễn biến căng thẳng thương mại quốc tế và diễn biến của các đồng tiền.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp, điều hành tỷ giá linh hoạt. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối (trên 6 tỷ USD). Đồng thời, kết hợp với việc hủy thực hiện bán ngoại tệ theo các giao dịch kỳ hạn cho các tổ chức tín dụng với tổng giá trị lên đến 2,24 tỷ USD. Từ đó, đã góp phần đưa ra và để lại lưu thông một lượng lớn tiền VND tương ứng.
Bên cạnh đó, đối với các giao dịch tổ chức tín dụng mua ngoại tệ kỳ hạn với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cũng đã gia hạn các giao dịch này, qua đó, Ngân hàng Nhà nước không hút, trì hoãn việc hút VND từ lưu thông về.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, việc điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp, can thiệp ngoại tệ linh hoạt, chủ động cùng với các biện pháp khác của Ngân hàng Nhà nước góp phần ổn định tâm lý thị trường, hạn chế áp lực biến động bất thường, quá mức đối với tỷ giá thị trường.
Trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ bám sát diễn biến thực tế để vừa kiểm soát lạm phát, vừa cân đối với mục tiêu giảm lãi suất của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, thực hiện can thiệp thị trường linh hoạt nhằm giữ ổn định thị trường ngoại tệ, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Gửi phản hồi
In bài viết