Khi lòng kiên nhẫn bị thử thách
Là một trận bán kết, đương nhiên, chúng ta không thể mong chờ những diễn biến dễ dàng. Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo cũng lường được khó khăn đón đợi, khi ở cuộc họp báo trước trận, ông ước ao “thắng được trong 90 phút thì tốt quá”.
Điều ước ấy không thành, do U23 Malaysia đã nghiên cứu rất kỹ chúng ta và đối phó đầy hiệu quả. HLV Brad Maloney là một người nhiều toan tính, gặp U23 Việt Nam, ông chỉ làm một động tác nhỏ, kéo 2 tiền vệ trung tâm Bin Mahadi và Bin Nik Mat lùi sâu hơn để giữ “mặt tiền” hỗ trợ cho hàng hậu vệ 5 người là đã tạo ra lớp lớp phòng tuyến vững chắc.
Thầy Park thừa hiểu, người Mã sẽ chơi phòng ngự, nhưng cũng như 4 trận trước đó, ông không có nhiều phương án để “xuyên tường”. Cách khả dĩ nhất ông Park có thể làm là đặt Hoàng Đức đá rất thấp, ngay trước 3 trung vệ, để giải phóng cho tiền vệ Viettel này khỏi nguy cơ tranh chấp. Và như vậy, U23 Việt Nam chấp nhận bỏ phối hợp nơi trung lộ đông đúc, mà chờ đợi những đường chuyền dài của Hoàng Đức có điểm rơi phía sau hàng thủ U23 Malaysia.
Tuy nhiên, cách đá này cũng không phải sở trường của các cầu thủ nội. Khi không có những tiền đạo “Tây” là điểm đến, dù người kiến tạo là Hoàng Đức ở giữa hay Văn Xuân, Văn Đô ở hai biên, thì cũng rất khó cho Tiến Linh, Mạnh Dũng di chuyển nhận bóng trong khu vực 16m50.
Hơn một lần góc máy truyền hình lia về Nhâm Mạnh Dũng và ghi lại ánh mắt bực bội khi bóng rơi ngoài tầm khống chế của anh. Trong 90 phút, những lần hiếm hoi cầu thủ U23 Việt Nam có thể chạm bóng bằng đầu, thì đều ở tư thế khó, chất lượng dứt điểm không cao.
Hơi thở từ “viện binh”
Các học trò thầy Park miệt mài tạt bổng, nhưng những cơ hội rõ rệt nhất lại đến từ bóng sệt. Tiến Linh lẽ ra hoàn toàn có thể mở tỷ số trong hiệp 1, tiếc rằng anh đưa bóng chệch cầu môn khi đối mặt Bin Ghani và quả đá nối ở tư thế thuận lợi lại quá lành. Với một tiền đạo đã ghi nhiều bàn thắng ở đẳng cấp châu lục, 2 lần hỏng ăn liên tiếp thực sự là đáng tiếc.
Khi phân tích về trận đấu, nhiều chuyên gia đặt dấu hỏi tại sao với các cơ hội tạo ra mười mươi như thế, thầy Park không tập trung "hỏa lực" nhiều hơn cho những pha phối hợp bóng thấp kiểu này. Sự thực thì đấy không phải cách chúng ta có thể vận hành liên tục, nó chỉ xảy đến trong khoảnh khắc hàng thủ U23 Malaysia xộc xệch, mất cân bằng. Khi họ đã bình tĩnh căn chỉnh lại cự li, chúng ta không còn kẽ hở.
Thầy Park cũng đã làm tất cả các thao tác quen thuộc của ông: Hoán đổi vị trí giữa Văn Đô và Văn Xuân, thay vào các tiền vệ có thể lực tốt, như Công Đến, Quang Nho, tung ra sân tiền đạo Văn Tùng với hy vọng khai thác hàng thủ đối phương đang xuống sức… Những điều chỉnh ấy có vẻ không bất ngờ với người Mã, họ dễ dàng đọc được ý đồ trong các pha lên bóng của chúng ta.
Nhưng nỗi đau của HLV Brad Maloney và các học trò vẫn cứ đến từ 2 cái tên mà họ đã “khoanh vùng” triệt để nhất. Hùng Dũng đá phạt để Tiến Linh bật cao hơn tất thảy, đưa bóng nằm gọn trong lưới, khi thủ môn Bin Ghani đã lao ra trong vô vọng.
U23 Malaysia chống bóng bổng cũng như chia cắt Hùng Dũng - Tiến Linh ở mức hoàn hảo cho đến phút 111, nhưng chỉ một giây thôi, bộ đôi này liên lạc được với nhau và bao nhiêu hy vọng của đội khách khép lại. Tiến Linh không thể nói có một ngày thi đấu hiệu suất cao, nhưng điều quan trọng là anh vẫn ghi tên mình trên bảng tỷ số. Chỉ 1 bàn thôi, nhưng là giải tỏa, là chiến thắng, là vé chung kết và là ngọn lửa bùng lên về niềm tin vô địch.
Vẫn là dấu giày của những “viện binh” đã gồng gánh lớp đàn em U23 qua ải U23 Indonesia, Myanmar, bây giờ lại đưa đội bóng về Sân vận động quốc gia Mỹ Đình chơi trận chung kết đầy duyên nợ với người Thái. Ông Park có thể chưa giỏi thổi luồng gió tấn công áp đặt vào U23 Việt Nam, nhưng ông thật sáng suốt khi tăng cường những át chủ bài, như Dũng, như Linh cho chiến dịch bảo vệ Huy chương vàng SEA Games 31.
Gửi phản hồi
In bài viết